Chương trình hướng tới mục tiêu kết nối người sản xuất với thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, tạo chuỗi giá trị, đảm bảo ổn định thị trường. Tăng cường mối liên kết trao đổi, hợp tác giữa các địa phương, doanh nghiệp nhằm đẩy mạnh phát triển mạng lưới phân phối hàng Việt tới thị trường nông thôn, góp phần thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; thúc đẩy lưu thông hàng hoá, kích cầu tiêu dùng, đóng góp vào sự tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Bên cạnh đó, Chương trình giúp thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá, phát triển thị trường nội địa, hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh của tỉnh tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh, xây dựng và quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hoá trong và ngoài nước. Nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về vai trò của thương mại điện tử, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tổng kinh phí dự kiến triển khai thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025 khoảng 9,5 tỷ đồng từ các nguồn Trung ương và ngân sách tỉnh hỗ trợ công tác xúc tiến thương mại của tỉnh, chương trình hỗ trợ tập trung chủ yếu vào các hoạt động hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng chủ lực, các mặt hàng có lợi thế cạnh tranh như nông sản tiêu biểu, thực phẩm chế biến, sản phẩm OCOP của tỉnh.
Chương trình có các nội dung chính như sau: Tổ chức các hoạt động, tham gia Hội chợ, triển lãm thương mại trong và ngoài tỉnh để hỗ trợ các doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mở rộng mạng lưới phân phối và bán hàng Việt tại thị trường nông thôn của tỉnh; Tổ chức kết nối cung cầu hàng hóa trong nước nhằm đưa hàng hóa sản xuất trong tỉnh phân phối tại các tỉnh, thành phố trong cả nước, đẩy mạnh sự hợp tác giữa các tỉnh, thành phố các doanh nghiệp để trao đổi, cung ứng sản phẩm có thế mạnh của các doanh nghiệp, các địa phương.
Hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã cải tiến công nghệ, quy trình sản xuất theo hướng tăng năng suất và chất lượng sản phẩm để kết nối vào hệ thống phân phối hiện đại.
Chương trình còn xây dựng ấn phẩm cập nhật thông tin thị trường, thiết kế ấn phẩm tuyên truyền quảng bá hoạt động xúc tiến thương mại, thông tin doanh nghiệp và ngành hàng chủ chốt của tỉnh đến các tỉnh khác trong và ngoài nước...
Chương trình còn đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử (rà soát, đánh giá, cải tiến website Sàn giao dịch thương mại điện tử ngành công thương) hỗ trợ phát triển thị trường một số sản phẩm tiêu biểu, có khả năng thương mại hóa sản phẩm, cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu; tập trung cho các sản phẩm cụ thể như: gạo, bưởi, khoai lang, cam sành, thủy sản và thực phẩm, nông sản chế biến vào thị trường các nước, nhất là châu Âu…
Tổ chức và phối hợp tổ chức các hội nghị kết nối trong và ngoài nước nhằm đưa các sản phẩm nông sản, đặc sản địa phương vào các kênh phân phối lớn như hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi,… Hỗ trợ tiếp cận, gia nhập thị trường các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, quà tặng, hàng lưu niệm, các sản phẩm đặc sản đã được công nhận.
H.N.H - Nguồn Công văn số 1315/QĐ-UBND