Theo đó, các doanh nghiệp chỉ được tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh theo nguyên tắc “an toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn”, doanh nghiệp chủ động lựa chọn phương án dựa vào điều kiện tài chính, năng lực quản lý kiểm soát, năng lực xét nghiệm của doanh nghiệp và đặc thù hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp có tiến độ, phân kỳ phù hợp với thực tế tình hình địa phương. Phương án phải đáp ứng được yêu cầu công tác phòng, chống dịch Covid-19, công tác đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường theo quy định, hướng dẫn của cấp có thẩm quyền, đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát, đảm bảo thực hiện nghiêm theo phương án được cơ quan thẩm quyền phê duyệt.
Doanh nghiệp phải rà soát, sắp xếp và tổ chức công việc tại nơi làm việc để đảm bảo khoảng cách, giãn cách theo quy định; Thường xuyên thực hiện tự đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 tại doanh nghiệp theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 ở mức nguy cơ thấp trở xuống (từ 16 - 30%) theo Quyết định số 2194/QĐ-BCĐQG ngày 27/5/2020; có Kế hoạch phòng, chống Covid-19 và các phương án xử trí khi có các trường hợp mắc Covid-19 theo Quyết định số 2787/QĐ-BYT ngày 05/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Sắp xếp nhân lực, kinh phí phù hợp để thực hiện kế hoạch, kiện toàn Tổ An toàn Covid-19 trong doanh nghiệp, bao gồm lãnh đạo và những người trực tiếp quản lý tại các phân xưởng, các khâu trong dây chuyền sản xuất, thường xuyên nhắc nhở kiểm tra giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, thực hiện tốt thông điệp “5K” của Bộ Y tế tại nơi làm việc, nơi ở; người sử dụng lao động và người lao động bàn bạc, thống nhất phương án phù hợp với tình hình doanh nghiệp.
Các công ty, doanh nghiệp cần phối hợp với địa phương liên quan thực hiện sàng lọc những lao động không có yếu tố dịch tễ thuộc vùng xanh, xét nghiệm SARS-COV-2 bằng test nhanh kháng nguyên cho toàn bộ người lao động (phải có kết quả xét nghiệm SARS-COV-2 âm tính) trước khi đưa vào sản xuất.
Thực hiện xét nghiệm sàng lọc và định kỳ đối với người lao động theo hướng dẫn tại văn bản 4164/SYT-NV ngày 01/10/2021 của Sở Y tế, cụ thể: Xét nghiệm 02 tuần/lần tối thiểu 5 -10% cho người lao động có nguy cơ cao và có nguy cơ (tổ trưởng tổ sản xuất, quản đốc phân xưởng, lãnh đạo công ty, lễ tân,...); Xét nghiệm 02 tuần/lần cho toàn bộ người lao động cung cấp dịch vụ trực tiếp cho doanh nghiệp (cung cấp suất ăn, thực phẩm, nguyên vật liệu, dịch vụ bảo vệ, vệ sinh,...); Không thực hiện đối với người đã tiêm đủ liều vắc xin (liều cuối cùng tiêm trong thời gian ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng), hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 06 tháng (nếu có, chỉ khuyến khích không bắt buộc); Kỹ thuật xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR hoặc Test kháng nguyên nhanh; Kết quả xét nghiệm phải được báo cáo ngay cho Trung tâm y tế cấp huyện nơi doanh nghiệp hoạt động (Trong khoảng 02 giờ sau khi kết thúc ngày xét nghiệm và báo cáo ngay sau khi có trường hợp dương tính với SARS-CoV-2).
Nếu doanh nghiệp tự xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên SARS-COV-2 thì phải được hướng dẫn của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cấp tỉnh hoặc Trung tâm Y tế cấp huyện. Test nhanh kháng nguyên SARS-COV-2 phải thuộc danh mục đã được cấp số đăng ký lưu hành hoặc cấp giấy phép nhập khẩu của Bộ Y tế. Doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm về chất lượng Test kháng nguyên, quy trình và kết quả xét nghiệm. Thực hiện và tiến hành xử lý ngay, đúng quy định khi nhận được báo cáo kết quả xét nghiệm có trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 với Trung tâm Y tế cấp huyện nơi doanh nghiệp hoạt động.
Khi thực hiện phương án doanh nghiệp phải có Kế hoạch phòng, chống Covid-19 và các phương án xử trí khi có các trường hợp mắc Covid-19 theo Quyết định số 2787/QĐ-BYT ngày 05/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế (mẫu Kế hoạch theo Công văn số 5522/BYT-MT ngày 12/7/2021 của Bộ Y tế). Trong thời hạn tối đa 03 ngày sau khi Tổ công tác có Biên bản kiểm tra thực tế nếu đủ các điều kiện, được cơ quan thẩm quyền phê duyệt thì mới được phép hoạt động…
H.N.H- Nguồn Công văn số:659/BQL-DN