Năm 2021, trong điều kiện khó khăn, thách thức đan xen dịch bệnh Covid-19 đã tác động lớn đến đời sống, kinh tế, xã hội, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu và ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và hoạt động xuất, nhập khẩu, tiêu thụ nông sản. Tuy nhiên, toàn ngành đã tổ chức quán triệt quan điểm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với quyết tâm cao, nỗ lực vươn lên, đề ra các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, sáng tạo để vượt qua nhiều khó khăn, thách thức từ các “tình huống bất bình thường” của thực tiễn sản xuất kinh doanh nhằm đạt các mục tiêu phát triển ngành.
Theo đánh giá tính toán của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị gia tăng toàn ngành (VA) năm 2021 ước tăng khoảng 2,85 - 2,9%, trong đó nông nghiệp tăng trên 3,18%, lâm nghiệp tăng trên 3,85%, thủy sản tăng trên 1,85%; tỷ lệ che phủ rừng 42,02%; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới 68,2%; kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt 48,6 tỷ USD.
Ngành đã đạt được một số kết quả nổi bật như sau: Cơ cấu sản xuất tiếp tục được điều chỉnh phù hợp, hiệu quả hơn gắn với nhu cầu thị trường, tăng tỷ trọng ngành, sản phẩm nông lâm thủy sản có lợi thế và giá trị cao, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm; Thị trường tiêu thụ sản phẩm tiếp tục được mở rộng cả về ngành hàng và sản phẩm, chú trọng thị trường trong nước; tháo gỡ nhiều rào cản thương mại, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt kỷ lục mới; Các hình thức tổ chức sản xuất tiếp tục được đổi mới, phát triển cả về số lượng, chất lượng và từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động; Khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao được chuyển giao và ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp ngày càng nhiều, góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động sản xuất nông nghiệp; Công tác quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm hàng nông sản tiếp tục được tăng cường, lòng tin của người dân vào nông sản trong nước ngày càng tăng; Vốn đầu tư công được quản lý chặt chẽ hơn; tỷ lệ giải ngân khá; hạ tầng nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được đầu tư nâng cấp, số công trình lớn được hoàn thành đi vào sử dụng, phát huy hiệu lực, hiệu quả đầu tư; Công tác thủy lợi và phòng chống thiên tai được tăng cường, nâng cao năng lực; Phát triển nông thôn và Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới vượt mục tiêu đề ra về số xã và đơn vị cấp huyện, cấp tỉnh; các nhiệm vụ giảm nghèo và an sinh xã hội được quan tâm thực hiện; Hoạt động hợp tác quốc tế được triển khai, nhất là trong đàm phán và tổ chức thực hiện các Hiệp định, cam kết đã ký; Công tác xây dựng thể chế, chính sách được coi là nhiệm vụ trọng tâm; hệ thống quản lý ngành được hoàn thiện cùng với đẩy mạnh cải cách hành chính nên hiệu lực, hiệu quả quản lý ngành tiếp tục được nâng cao.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận làm rõ hơn những kết quả đã đạt được, những khó khăn vướng mắc; cũng như đề xuất các giải pháp giúp cho ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai hiệu quả nhiệm vụ trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

Ảnh: Quang cảnh Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Vĩnh Long

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận và đánh giá cao những kết quả nổi bật cũng như những nỗ lực của toàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong năm 2021 đã góp phần đóng góp vào sự ổn định phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia cũng như đảm bảo đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Đối với nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị toàn ngành cần tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế để tìm cách khắc phục trong năm tiếp theo, cùng đoàn kết, nỗ lực, phấn đấu triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Toàn ngành cần đổi mới tư duy mạnh mẽ hơn nữa, nâng cao tầm dự báo chiến lược đảm bảo kịp thời, chính xác. Trong quá trình tổ chức thực hiện cần phải thiết thực, hiệu quả, mang lại giá trị phát triển cao hơn nữa.
Năm 2022 cần đặt mục tiêu tăng trưởng ngành cao hơn để nỗ lực thực hiện. Bên cạnh đó, cần rà soát, hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính để phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, theo chiều sâu gắn với khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số, phân cấp phân quyền đi đôi với cụ thể hoá trách nhiệm, thúc đẩy cạnh tranh sản phẩm, xây dựng thương hiệu sản phẩm chất lượng uy tín, chất lượng quốc gia, vùng miền. Tăng cường kết nối thị trường, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người nông dân, nhất là vùng sâu vùng xa, hải đảo, người yếu thế, đảm bảo thích ứng an toàn, phòng chống dịch Covid-19…
Ngọc Duyên