Mục đích của Kế hoạch nhằm tập trung chuẩn bị các điều kiện bảo đảm chuyển trạng thái từ mục tiêu “không có COVID-19” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Từng bước phục hồi tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững, phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh cho những năm tiếp theo. Thúc đẩy, chuẩn bị tốt các điều kiện và triển khai thực hiện giải pháp phục hồi sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo kịch bản thích ứng an toàn với diễn biến của dịch bệnh. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh từng bước khắc phục những khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, khôi phục các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Dự báo tình hình đại dịch COVID-19 trên thế giới sẽ không kết thúc trong 6 tháng tới và chỉ có thể được chế ngự, kiểm soát khi có khoảng 90-95% dân số toàn cầu đạt miễn dịch. Vì vậy, quan điểm của Kế hoạch là cân bằng tối ưu giữa nhiệm vụ phòng chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội. Không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác khi mới kiểm soát được tình hình, song cũng không hoang mang, mất bình tĩnh khi có dịch. Tổ chức thực hiện linh hoạt theo thời điểm, phù hợp với từng địa bàn, từng cấp độ nguy cơ, từng đối tượng, kịp thời điều chỉnh và thích ứng với diễn biến của dịch bệnh. Chống dịch và phát triển kinh tế phải chú trọng khía cạnh xã hội, tâm lý của người dân và phải đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Duy trì linh hoạt các hoạt động kinh tế - xã hội bình thường ở mức độ tối đa có thể trong điều kiện có dịch bệnh. Đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc xin, xét nghiệm, đây là điều kiện tiên quyết để kiểm soát đại dịch, giảm thiểu thiệt hại về kinh tế, xã hội. Tiếp tục đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh trên nguyên tắc khó khăn, vướng mắc ở cấp nào, địa phương nào thì cấp đó, địa phương đó phải chủ động, kịp thời, tháo gỡ, giải quyết.
Về nguyên tắc, quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo cấp độ nguy cơ và cần tuân thủ các nguyên tắc sau: Y tế là trụ cột, là trung tâm; Kinh tế là cơ sở, là nền tảng; Dữ liệu khoa học, công nghệ là then chốt; Vắc xin, thuốc chữa bệnh và ý thức của người dân là điều kiện tiên quyết; An toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn; Ổn định chính trị - xã hội là trọng yếu và thường xuyên.
Kế hoạch xác định lộ trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh gồm 3 giai đoạn, như sau: Giai đoạn 1 (từ 30/11/2021 đến 31/12/2021): Đây là giai đoạn các cấp, các ngành triển khai các kế hoạch, phương án khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh của từng ngành, lĩnh vực, địa phương phù hợp với cấp độ nguy cơ ở từng địa bàn. Giai đoạn này, toàn tỉnh đã chuyển sang trạng thái “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”; cấp độ dịch của tỉnh là cấp độ 2, trong tỉnh không có địa bàn vùng đỏ (cấp 4). 100% người dân trên 18 tuổi (đủ điều kiện tiêm) đã được tiêm vắc xin mũi 1. Các doanh nghiệp thuộc khối sản xuất đã kết nối lại chuỗi sản xuất, cung ứng, tái gia nhập thị trường nhưng hoạt động chưa đủ công suất; sức mua tăng giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc khối thương mại, dịch vụ phục hồi nhưng chậm (khoảng 50-60% năng lực cung ứng).
Giai đoạn 2 (từ 01/01/2022 đến 30/6/2022): Đây là giai đoạn tỉnh đã cơ bản kiểm soát tốt được dịch bệnh; cấp độ dịch của tỉnh là cấp độ 1, trong tỉnh không còn địa bàn vùng cam (cấp 3) và vùng đỏ (cấp 4); 100% người lao động trên địa bàn tỉnh đã được tiêm vắc xin mũi 2. Các doanh nghiệp thuộc khối sản xuất phục hồi hết công suất; các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc khối thương mại, dịch vụ phục hồi nhanh.
Giai đoạn 3 (sau ngày 01/7/2022): Mở rộng các hoạt động sản xuất, phục hồi hoàn toàn các hoạt động thương mại, dịch vụ. Cấp độ dịch của tỉnh là cấp độ 1, người dân trong tỉnh đã được tiêm vắc xin mũi 2 và một số đã tiêm mũi 3.
Kế hoạch đặt mục tiêu đến ngày 31/12/2021, có trên 93% doanh nghiệp đăng ký trên hệ thống đăng ký kinh doanh Quốc gia đang hoạt động; giải ngân vốn đầu tư công cả năm 2021 đạt trên 95% kế hoạch. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) bằng 98,8% so với năm 2020; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng bằng 96% so với năm 2020; giải quyết việc làm cho trên 23.400 lao động bằng 88% so cùng kỳ năm trước; độ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 91% dân số.
Đến ngày 31/12/2022: có trên 97% doanh nghiệp đăng ký trên hệ thống đăng ký kinh doanh Quốc gia đang hoạt động; giải ngân vốn đầu tư công cả năm 2022 đạt trên 95% kế hoạch. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng 10% so với năm 2021; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,1% so với năm 2021; giải quyết việc làm cho 20.000 lao động; độ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 92,2% dân số…
H.N.H - Nguồn Kế hoạch số: 56/KH-UBND