Về kiểm tra công tác CCHC: Do tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp và tỉnh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, cho nên việc kiểm tra công tác CCHC không thực hiện trực tiếp tại các cơ quan, đơn vị, việc kiểm tra được thực hiện gián tiếp qua báo cáo và theo dõi thực tế. Lãnh đạo sở, ban, ngành; UBND cấp huyện, UBND cấp xã đã quan tâm chỉ đạo sát sao, quyết liệt đối với công tác CCHC thông qua việc ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản chỉ đạo, điều hành, báo cáo CCHC theo quy định; thực hiện niêm yết công khai thủ tục hành chính (TTHC), thông tin phản ánh, kiến nghị đúng quy định; thực hiện giải quyết TTHC cơ bản đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
Trong năm, tỉnh đã thực hiện nhiều hình thức tuyên truyền CCHC trên các phương tiện thông tin đại chúng như: trên sóng phát thanh và truyền hình Chương trình Thời sự đã phát sóng 240 tin và 98 bài; Trên báo in Báo Vĩnh Long đã đăng 38 tin, 24 bài, 01 bài phỏng vấn; Trên Trang Thông tin điện tử của Báo đã đăng tải hơn 54 tin, bài 39 ảnh. Nội dung thông tin, tuyên truyền có nội dung về thực hiện CCHC, các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về CCHC, các hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh, tuyên truyền về xây dựng Chính phủ điện tử, việc thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông, quy trình giải quyết thủ tục hành chính, tuyên truyền về tầm quan trọng, ý nghĩa, mục tiêu và tác động của CCHC đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước,…
Bên cạnh đó, trong năm, trên cơ sở quy định của Trung ương, HĐND, UBND tỉnh ban hành 55 văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) thể chế lại cho phù hợp với tình hình của địa phương. Tất cả các văn bản được ban hành đúng trình tự quy định.
Về cải cách thể chế: Trong kỳ, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành 55 văn bản QPPL. Thực hiện Kế hoạch thực hiện công tác xây dựng, kiểm tra, xử lý và rà soát văn bản QPPL trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long. Theo nhiệm vụ, các đơn vị thực hiện rà soát đối với 17 văn bản QPPL, so với cùng kỳ năm 2020 giảm 01 văn bản, đã rà soát trình cơ quan có thẩm quyền xử lý 15/17 văn bản (đạt 82.3%), so với cùng kỳ năm 2020 tăng 10 văn bản được cho ý kiến. Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long ban hành Quyết định công bố danh mục văn bản QPPL do HĐND, UBND tỉnh ban hành hết hiệu lực thi hành toàn bộ hoặc một phần trong năm 2020 gồm: 21 văn bản hết hiệu lực toàn bộ và 11 văn bản hết hiệu lực một phần. Trong kỳ, Sở Tư pháp đã tiếp nhận và thực hiện thẩm định 53 dự thảo văn bản QPPL. Nhìn chung, công tác thẩm định luôn được thực hiện theo đúng trình tự thủ tục, đảm bảo tiến độ về thời gian quy định.
Về cải cách thủ tục hành chính: Trong kỳ, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành 84 Quyết định công bố danh mục TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, với tổng số 1.551 TTHC, cụ thể: Công bố mới: 370 TTHC; sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế: 683 TTHC; bãi bỏ: 498 TTHC. Đến nay, bộ TTHC đang được áp dụng thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ban, ngành tỉnh và UBND cấp huyện, xã là 1.704 TTHC; Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 1.081 dịch vụ công mức 4.081, các thủ tục còn lại đạt mức độ 2. Tất cả các TTHC sau khi được công bố áp dụng đều được cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC, Cổng thông tin điện tử của tỉnh hiện tại đã đồng bộ dữ liệu TTHC với Cổng Dịch vụ công Quốc gia, Cổng dịch vụ công của tỉnh để phục vụ cho việc tra cứu, sử dụng của tổ chức, cá nhân; Đã thực hiện cấu hình 1.060 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, đạt tỷ lệ 100% trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia theo quy định; Thực hiện cập nhật, công khai 1.704 TTHC lên Cổng dịch vụ công quốc gia và thực hiện cập nhật 854 TTHC công bố mới, cập nhật, điều chỉnh 998 quy trình điện tử.
Về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước: UBND tỉnh Vĩnh Long đã ban hành các quyết định để quy định lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức 05 sở, ban, ngành tỉnh. Trong năm, đã giảm được 06 cấp phòng thuộc Sở và tương đương, giảm được 06 cấp trưởng và tương đương, giảm được 05 cấp phòng thuộc Chi cục và tương đương, qua đó giảm 05 cấp trưởng. Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập: đã giảm được 02 đơn vị, qua đó giảm 02 cấp Trưởng và tương đương. Đối với tổ chức Hội đặc thù: thực hiện sắp xếp 7 hội thành 3 hội; giảm 4 Chủ tịch và 4 Phó Chủ tịch.Ngoài ra, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 298/NQ-HĐND ngày 09/4/2021 về việc thành lập Văn phòng Đoàn đại biểu quốc hội và HĐND tỉnh Vĩnh Long. Qua đó, giảm 01 phòng thuộc VP Đoàn Đại biểu quốc hội và HĐND tỉnh, giảm 01 cấp trưởng và 01 cấp phó .
Về cải cách chế độ công vụ: UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với các cơ sở đào tạo thực hiện đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho đội cán bộ, công chức, viên chức để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, các kỹ năng trong giải quyết công việc. Theo đó, UBND tỉnh đã quyết định cử 08 cán bộ, công chức tham gia đào tạo trình độ thạc sĩ; cho chủ trương tham gia đào tạo trình độ tiến sĩ 01 trường hợp đạt chỉ tiêu so với kế hoạch đề ra; chỉ đạo mở 05 lớp bồi dưỡng cho tổng số 219 lượt cán bộ, công chức, viên chức tham dự dưới hình thức trực tuyến.
Về cải cách tài chính công: các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước tiếp tục thực hiện chế độ tự chủ đối với các cơ quan hành chính nhà nước. Số lượng đơn vị thực hiện thời điểm báo cáo: có475/476 đơn vị sự nghiệp công lập đã được giao tự chủ, triển khai thực hiện. Các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện tự chủ ban hành quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế quản lý tài sản công, ban hành các tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của viên chức, người lao động và làm cơ sở trả lương tăng thêm. Các đơn vị sự nghiệp trên địa bàn tỉnh thuộc lĩnh vực giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa thể thao du lịch, thông tin truyền thông tiếp tục thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính theo năm tài chính đã được phê duyệt.
Về xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số: Các ứng dụng phục vụ công tác chỉ đạo, quản lý và điều hành trong các cơ quan Nhà nước như: Phần mềm quản lý văn bản và điều hành, thư điện tử, chữ ký số, phần mềm họp không giấy,… vận hành ổn định, rút ngắn thời gian chuyển, nhận văn bản, tiết kiệm chi phí so với phát hành văn bản giấy, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chỉ đạo, điều hành và xử lý văn bản theo quy định. Đã chuyển đổi 127 cổng, trang thông tin điện tử các sở, ban, ngành đặt tại Trung tâm Tích hợp dữ liệu hoạt động Ipv6. Triển khai hệ thống họp trực tuyến kết nối với Chính phủ đến 107 xã, phường, thị trấn.
Về tình hình áp dụng hệ thống quản lý chất lượng (HTQLCL) theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015 vào hoạt động tại các cơ quan, đơn vị: Hiện nay, 100% cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, UBND cấp huyện và 91,58% cơ quan cấp xã (98/107 xã, phường, thị trấn) công bố, thực hiện việc duy trì, cải tiến HTQLCL theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015 đúng quy định.
K.H – Nguồn Báo cáo số: 397/BC-UBND