Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Quyên Thanh đã báo cáo với Phó Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và giáo dục- đào tạo giai đoạn hiện nay.
Theo đó, dù còn nhiều khó khăn, song, tỉnh Vĩnh Long luôn quan tâm phát triển văn hóa, thể thao và du lịch, trong đó tập trung phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có và triển khai các giải pháp đảm bảo hài hòa với mục tiêu, quy hoạch phát triển kinh tế của tỉnh và trong vùng.
Hiện tỉnh có đủ 3 thiết chế văn hóa: Trung tâm văn hóa hoặc Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật, bảo tàng, thư viện; 100% đơn vị hành chính cấp huyện, 85% đơn vị cấp xã có Trung tâm Văn hóa - Thể thao; 100% số đơn vị hành chính cấp huyện có lồng ghép hoạt động dành cho thiếu nhi trong Trung tâm Văn hóa - Thể thao; 100% đơn vị hành chính cấp xã, phường, thị trấn có điểm sinh hoạt, vui chơi dành cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng; Có 70% phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị, tiêu biểu;99% ấp, khóm, tổ dân phố và tương đương giữ vững danh hiệu văn hóa; trên 90% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; 97% gia đình giữ vững danh hiệu Gia đình văn hóa.
Toàn tỉnh đã có 65 di tích được xếp hạng, gồm 11 di tích quốc gia, 54 di tích cấp tỉnh. Công tác phát huy các giá trị di tích gắn với phát triển du lịch được chú trọng. Hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao trên địa bàn tỉnh được quan tâm xây dựng. Đến năm 2021, toàn tỉnh có trên 70% xã, phường, thị trấn có thiết chế văn hóa - thể thao.
Thể thao thành tích cao được quan tâm đổi mới cách làm, nâng cao chất lượng tuyển chọn, đào tạo vận động viên, xác định các môn thể thao mũi nhọn có thế mạnh của tỉnh để ưu tiên đầu tư. Đến nay thể thao thành tích cao tỉnh Vĩnh Long xếp hạng 04/13 tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long, xếp hạng 16/65 đơn vị tỉnh, thành, ngành trên toàn quốc.
Dù có nhiều cố gắng, nỗ lực, nhưng hoạt động du lịch của tỉnh năm 2021 bị sụt giảm nghiêm trọng cả về số lượng du khách và doanh thu do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19.
Năm 2022, tỉnh Vĩnh Long sẽ tiếp tục phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. Đó là tổ chức tốt các ngày lễ lớn, các sự kiện quan trọng; tiếp tục nghiên cứu ban hành một số cơ chế, chính sánh để thúc đẩy phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao. Cùng với đó, tỉnh sẽ tập trung thực hiện tốt 2 Đề án lớn, đó là: Dự án xây dựng Bảo tàng Nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Đề án Di sản đương đại Mang Thít
Về giáo dục, đào tạo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Quyên Thanh cũng cho biết trước tình hình dịch bệnh Covid-19, tỉnh đã có nhiều chỉ đạo, chủ động và linh hoạt nhằm vừa đảm bảo an toàn trường học, vừa kiên trì chất lượng giáo dục, đồng thời có những hỗ trợ thiết thực, hiệu quả cho học sinh các cấp, 100% học sinh thuộc hộ nghèo và cận nghèo đều được hỗ trợ máy tính bảng để học trực tuyến từ chương trình “Sóng và máy tính cho em” do Thủ tướng phát động. Đến nay, việc tổ chức dạy học trực tiếp cũng như việc chủ động chuyển đổi hình thức trực tiếp - trực tuyến đã được các trường tiến hành có nền nếp, dần ổn định tình hình dạy - học.

Ảnh: Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long Bùi Văn Nghiêm phát biểu tại buổi làm việc
Hai năm qua, tuy bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng ngành Giáo dục địa phương vẫn thực hiện được mục tiêu kép, hoàn thành nhiệm vụ năm học cũng như đảm bảo được chất lượng và sự an toàn cho giáo viên và học sinh. Quy mô hệ thống mạng lưới trường lớp phát triển, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học được đầu tư theo hướng chuẩn hóa, hiện đại. Tỉ lệ phòng học kiên cố là 90,91 %.
Triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, tỉnh đã có những chuẩn bị tích cực về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, kết quả triển khai những năm đầu tiên đạt yêu cầu đề ra. Hiện đang tập trung chuẩn bị cho việc triển khai ở lớp 3, lớp 7, lớp 10, trong đó đội ngũ giáo viên các môn Tin học, Ngoại ngữ đối với lớp 3 cơ bản đáp ứng yêu cầu.
Tính đến 31/12/2021, toàn ngành có 15.391 công chức, viên chức. Số lượng cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn đào tạo, đạt tỷ lệ 89,66%, trên chuẩn đạt tỷ lệ 20,41%. Chế độ, chính sách đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý ngày càng đảm bảo và đầy đủ hơn tạo động lực cho đội ngũ hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Chất lượng giáo dục ở các cấp học qua các năm giữ ổn định và được nâng lên, đi vào chiều sâu. Kết quả thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2021, điểm trung bình thi Vĩnh Long xếp thứ 8/63 tỉnh, thành trên toàn quốc.Chất lượng đào tạo của các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh tiếp tục được nâng cao.
Dịp này, tỉnh Vĩnh Long kiến nghị Chính phủ quan tâm, hỗ trợ và tạo điều kiện giúp tỉnh triển khai có hiệu quả Đề án xây dựng Bảo tàng Nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Đề án Di sản đương đại Mang Thít. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ưu tiên hỗ trợ tỉnh nguồn vốn từ Chương trình bảo tồn và phát huy bền vững di sản văn hóa Việt Nam, giai đoạn 2021-2025 để thực hiện tu bổ tôn tạo các di tích trọng điểm, di tích cấp quốc gia.
Song song đó, tỉnh cũng kiến nghị Chính phủ tiếp tục tăng cường các chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục và đào tạo để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay, nhất là đối với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cần có tiêu chí phân bổ đặc thù; có chính sách phát triển hệ thống các trường nghề đáp ứng yêu cầu phân luồng học sinh sau Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông để phát triển nguồn nhân lực có tay nghề cao.

Ảnh: Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với tỉnh Vĩnh Long
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đánh giá cao nỗ lực của tỉnh trong phát triển giáo dục và đào tạo trên địa bàn. Tỉnh cần tiếp tục duy trì những kết quả đã đạt được, đồng thời tập trung phát triển mạnh hơn về giáo dục đại học; tiếp tục có những giải pháp sáng tạo, đột phá, giải quyết căn cơ vấn đề biên chế trong ngành Giáo dục bằng cách giảm số giáo viên hưởng lương từ ngân sách nhà nước, bước đầu xác định lựa chọn những nơi có đủ điều kiện để làm thí điểm; cần có những mô hình đào tạo sáng tạo, phục vụ nguồn nhân lực cho cả vùng; phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, tổ chức chương trình trao đổi sinh viên nhằm tăng cường giao lưu văn hóa giữa các vùng miền. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tiếp tục điều chỉnh hướng dẫn cho các địa phương trong việc lựa chọn các bộ sách giáo khoa mới trên tinh thần phù hợp, tiết kiệm, tránh lãng phí cho học sinh, phụ huynh; xây dựng bộ tiêu chí trường đạt chuẩn quốc gia cần phù hợp với điều kiện đặc thù vùng miền, địa phương. Bên cạnh đó, tỉnh cần có những giải pháp kết hợp chặt chẽ các hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch, tìm ra những giá trị thực sự độc đáo, riêng có của văn hoá, tự nhiên, con người Vĩnh Long...
N.H