Báo cáo tại buổi làm việc, đồng chí Lữ Quang Ngời - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, cho biết, năm 2021, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh nhất là dịch COVID-19 nhưng Vĩnh Long vẫn đạt được những kết quả tích cực.

Ảnh: Toàn cảnh buổi làm việc
Sản xuất nông nghiệp ổn định, xây dựng được nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả; thực hiện kịp thời, có hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh cũng thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội; tạo mọi kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh; có trên 95% doanh nghiệp trong khu công nghiệp và hơn 89% doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp đã hoạt động trở lại sau dịch bệnh . Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước đạt 34.305 tỷ đồng, giảm 1,05% so với năm 2020 nhưng GRDP bình quân đầu người đạt 56,6 triệu đồng, tăng 1,1 triệu đồng so với năm 2020.
Huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển ước đạt 14.400 tỷ đồng, đạt 93,5% kế hoạch; tổng thu ngân sách đạt 7.502 tỷ đồng, đạt 100,8% dự toán. Các hoạt động đối ngoại, xúc tiến đầu tư được tăng cường; môi trường đầu tư, kinh doanh và năng lực cạnh tranh tiếp tục được cải thiện. Tổng thu ngân sách đạt 7.502 tỷ đồng, đạt 100,8% dự toán.
Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được tập trung quyết liệt, thực hiện nhiệm vụ vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe và tính mạng nhân dân; vừa đảm bảo công tác khám, điều trị bệnh cho người dân tốt. An sinh xã hội được chú trọng, chăm lo cho các đối tượng chính sách, người có công được đầy đủ; kịp thời hỗ trợ người dân, lao động gặp khó khăn do dịch bệnh. Đảm bảo cho tất cả học sinh có điều kiện tiếp cận các hình thức học tập trong điều kiện dịch bệnh, chất lượng giáo dục và đào tạo được giữ vững.
An ninh chính trị trên địa bàn tỉnh được giữ vững ổn định; quân sự quốc phòng địa phương được tăng cường; trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; thực hiện tốt công tác nội chính và cải cách tư pháp, không để xảy ra vụ việc tồn đọng, kéo dài.
Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được đặc biệt chú trọng, tiến hành toàn diện, đồng bộ, có hiệu quả trên tất cả các mặt chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Công tác kiểm tra, giám sát và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được thực hiện nghiêm túc và đạt nhiều kết quả. Tình trạng tham nhũng, tiêu cực, suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa trong Đảng và hệ thống chính trị được ngăn chặn. Dân vận, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội có nhiều đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng về cơ sở. Công tác vận dộng quần chúng, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc được phát huy mạnh mẽ.
Hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và Hội đồng nhân dân các cấp được thực hiện chủ động, tích cực, trong đó có nhiều đóng góp trong triển khai công tác giám sát (như đối với 4 chuyên đề giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội), tiếp xúc cử tri, đối thoại, giải quyết các kiến nghị của cử tri.
Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15, ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Nghị quyết số 11/NQ-CP, ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cũng được tỉnh triển khai kịp thời và hiệu quả. Tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện với 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp: Mở cửa kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng chống dịch bệnh; bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm; hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Thực hiện lộ trình mở cửa lại các điểm du lịch, các ngành dịch vụ, giải trí, văn hóa, nghệ thuật gắn với bảo đảm an toàn dịch bệnh…; tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án đầu tư xây dựng, đặc biệt là các dự án nâng cao chất lượng hệ thống y tế cơ sở và các dự án chiến lược, có sức lan tỏa mạnh.
Triển khai hiệu quả, tích cực các chương trình tín dụng ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách Xã hội. Bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, nhất là người lao động, người nghèo, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19; tăng cường thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ cho người lao động như hỗ trợ tiền thuê nhà, cho vay ưu đãi, tạo việc làm, hỗ trợ hộ gia đình sản xuất nông nghiệp và những người bán quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký kinh doanh.
Thực hiện miễn, giảm thuế, phí, lệ phí cho các nhóm hàng hóa, dịch vụ; giảm 30% tiền thuê đất, thuê mặt nước năm 2022; giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký xe ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước; gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và tiền thuê đất trong năm 2022. Ước tính số tiền giảm thu Ngân sách Nhà nước năm 2022 theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 là hơn 234 tỷ đồng
Tổng kinh phí thực hiện phòng chống dịch và hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là hơn 576 tỷ đồng. Nhờ các biện pháp tích cực trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, nên dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng tỉnh vẫn đạt nhiều kết quả tích cực về phát triển kinh tế-xã hội.
Quý I/2022, dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát tốt, các ngành sản xuất kinh doanh dần thích ứng và hoạt động có hiệu quả. Thời tiết thuận lợi, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi được kiểm soát tốt, sản xuất vụ đông xuân đạt kế hoạch, xây dựng được một số mô hình sản xuất hiệu quả. Thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh; chỉ số sản xuất và tiêu thụ sản phẩm công nghiệp tăng, chỉ số tồn kho giảm; Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) quí I ước đạt 9.272 tỷ đồng, tăng 4,68% so cùng kỳ. Hoạt động sản xuất nông nghiệp, đầu ra một số sản phẩm tương đối thuận lợi, giá bán có xu hướng tăng; hoạt động nội thương và xuất khẩu tăng khá; vốn đầu tư phát triển tăng; huy động nguồn vốn đáp ứng đủ nhu cầu của các thành phần kinh tế và cung cấp đủ nguồn vốn cho nhu cầu phát triển. Các hoạt động bán buôn, bán lẻ phục hồi nhanh, các kênh phân phối hàng hóa đã được kết nối thông suốt. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 17.552 tỷ đồng, tăng 11,76% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 151,5 triệu USD, tăng 16,03%
Dịp này, Vĩnh Long cũng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét đầu tư dự án nâng cấp Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long; dự án đầu tư mở rộng QL54- đoạn qua tỉnh Vĩnh Long và tuyến tránh QL54- đoạn qua TX Bình Minh; dự án đầu tư cầu Đình Khao; dự án đầu tư xây dựng cầu Quới An...

Ảnh: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chúc mừng và biểu dương những kết quả đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Vĩnh Long đạt được trong thời gian qua. Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, thời gian tới, Vĩnh Long cần tiếp tục quán triệt thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, trong đó tập trung xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh. Nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu, gắn với rà soát quy hoạch cán bộ. Quan tâm cơ cấu kinh tế, dân cư và chuyển dịch lao động. Tập trung xây dựng nông thôn mới, và đảm bảo quốc phòng an ninh.
Xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; làm tốt công tác tư tưởng, dân vận, kiểm tra, giám sát, giữ nghiêm kỷ luật Đảng; thúc đẩy việc tự giác nêu gương của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu các cơ quan đơn vị, địa phương; quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức từ tỉnh đến cơ sở vững vàng về tư tưởng chính trị, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ.
Năm 2022, tỉnh cần hoàn thành xây dựng quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ kế tiếp; trong rà soát, quy hoạch, tỉnh cần chú ý quy hoạch đại biểu Quốc hội chuyên trách, đại biểu cho các cơ quan dân cử.
Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Vĩnh Long cần đặc biệt quan tâm, chuẩn bị kỹ lưỡng và khẩn trương triển khai thực hiện Nghị quyết 13 và công tác quy hoạch, nhất là quy hoạch tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2030 và tầm nhìn đến 2050 trên cơ sở bám sát Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long đã được phê duyệt và các quy hoạch ngành quốc gia.

Ảnh: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng quà lưu niệm cho tỉnh Vĩnh Long.
Quan tâm, bố trí quỹ đất để phát triển đô thị và công nghiệp; chú ý trong công tác quy hoạch phải gắn đô thị hóa với công nghiệp hóa, quy hoạch nông thôn gắn với phát triển đô thị. Tổ chức tốt các hoạt động văn hóa - thể thao - du lịch, giáo dục, y tế, sớm khắc phục những yếu kém, hạn chế của “vùng trũng” y tế, giáo dục; đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững; chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tiếp tục nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tiếp tục tập trung xây dựng nông thôn mới đầu tư phát triển, hoàn thiện hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hệ thống giao thông, các khu, cụm công nghiệp để thu hút đầu tư, phát triển sản xuất.

Ảnh: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng quà lưu niệm các đại biểu tham dự buổi làm việc
Đồng thời cần tiếp tục lãnh đạo đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, của Hội đồng nhân dân tỉnh, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát.
Đối với các đề xuất, kiến nghị của tỉnh, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận và giao Văn phòng Quốc hội tổng hợp các đề xuất, kiến nghị gửi các cơ quan liên quan nghiên cứu, xem xét, giải quyết theo thẩm quyền, bảo đảm đúng quy định của pháp luật.

Ảnh: Dịp này, Tập đoàn Trung Nam đã trao 10 tỷ đồng hỗ trợ tỉnh Vĩnh Long xây dựng 200 căn nhà cho hộ nghèo, thực hiện an sinh xã hội.
N.H