Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến ngày 22/4/2022 cả nước ghi nhận 16.412 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 10 trường hợp tử vong tại Bình Dương (4), TPHCM (2), Đồng Tháp (1), Tây Ninh (1), Đồng Nai (1), Sóc Trăng (1). So với cùng kỳ năm 2021, số mắc là 21.366 ca, tử vong 5 ca. Bệnh Sốt xuất huyết Dengue (SXHD) tại khu vực phía Nam (KVPN) đang có diễn tiến phức tạp, tỷ lệ ca nặng chiếm 3%, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2021 và gấp 3 lần so với cùng kỳ giai đoạn 2018-2020.
Trước tình hình trên, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương triển khai thực hiện các nội dung sau:
Về công tác phòng, chống Sốt xuất huyết Dengue: Tổ chức tập huấn về chẩn đoán, thu dung, điều trị và chăm sóc bệnh nhân SXHD tại các cơ sở khám chữa bệnh theo Quyết định số 3705/QĐ-BYT ngày 22/8/2019; Tăng cường công tác truyền thông để cảnh báo cộng đồng, người dân sớm đến khám và điều trị bệnh tại các cơ sở y tế ngay khi có dấu hiệu, biểu hiện mắc SXHD để được khám bệnh, tư vấn kịp thời; Triển khai chiến dịch diệt lăng quăng, có thể kết hợp phun hóa chất chủ động nếu đúng chỉ định tại các địa bàn nguy cơ, trọng điểm bệnh SXHD; Thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, phun, diệt muỗi, phòng muỗi đốt cho người bệnh và người nhà người bệnh.
Về công tác chẩn đoán, điều trị Sốt xuất huyết Dengue: Các địa phương căn cứ tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn để tổ chức các cơ sở khám, chữa bệnh đảm bảo công tác khám, chữa bệnh thông thường, đặc biệt là dịch bệnh SXHD đang có chiều hướng gia tăng theo các mô hình phù hợp; Rà soát, điều chỉnh lại các quy trình tiếp nhận, sàng lọc, tiêu chí phân loại cụ thể đối với từng ca bệnh SXHD trong giai đoạn hiện nay. Bố trí phòng khám lại các ca SXHD vào các khung giờ phù hợp với tình hình thực tế tại đơn vị tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh SXHD và người bệnh khác; Chỉ đạo các cơ sở tăng cường việc theo dõi người bệnh SXHD đang nằm nội trú trong các ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ cuối tuần để phát hiện, điều trị kịp thời các ca bệnh SXHD có diễn biến nặng lên. Ghi chép hồ sơ bệnh án đầy đủ, chi tiết; Củng cố và duy trì hoạt động của “Nhóm điều trị SXHD” và “Đường dây điện thoại nóng phòng, chống dịch SXHD” tại các đơn vị khám, chữa bệnh để có thể thường xuyên tư vấn, trao đổi thông tin về chuyên môn, yêu cầu hỗ trợ khi cần thiết; Bảo đảm đầy đủ các phương tiện, trang thiết bị, thuốc, dịch truyền, máu và các chế phẩm của máu, các lưu đồ xử trí để cấp cứu người bệnh, đặc biệt là dung dịch cao phân tử để chống sốc phải là HES 200 6% (trọng lượng phân tử 200.000 dalton).
Tại tỉnh Vĩnh Long, tính đến tuần 16/2022, tỉnh ghi nhận 72 trường hợp mắc SXHD1 và có 4 ca nặng, tỷ lệ 5,56% cao hơn so với trung bình khu vực phía Nam và tăng gấp 4,6 lần so với cùng kỳ năm 2021. Chính vì vậy, Sở Y tế đề nghị các cơ sở điều trị phải tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong do sốt xuất huyết, tránh tình trạng bệnh nhân không được tư vấn, cấp cứu, điều trị và chuyển tuyến kịp thời, đồng thời phải có kế hoạch phân tuyến điều trị, hỗ trợ tuyến dưới, tránh tình trạng quá tải bệnh viện.
Đối với các đơn vị dự phòng cần triển khai giám sát chặt chẽ việc xử lý triệt để ổ dịch sốt xuất huyết tại địa phương. Tổ chức phun hóa chất 100% các hộ gia đình thuộc khu vực ổ dịch. Đảm bảo phun hóa chất đúng kỹ thuật, đánh giá chỉ số véc tơ trước và sau phun để có chỉ định phun cụ thể. Xác định khu vực có nguy cơ cao để tổ chức phun hóa chất diệt muỗi chủ động phòng, chống sốt xuất huyết.
Phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy đảm bảo tất cả các hộ gia đình tại vùng có dịch và có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi để tiến hành các hình thức tiêu diệt lăng quăng/ bọ gậy.
Phối với các cơ quan truyền thông trên địa bàn để tăng cường công tác truyền thông phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, lồng ghép với truyền thông phòng chống COVID-19 và các hoạt động khác để người dân hưởng ứng tích cực các biện pháp phòng bệnh cho cá nhân và cộng đồng, chủ động tham gia thu dọn vật dụng phế thải chứa nước đọng, nơi lăng quăng/bọ gậy. muỗi phát triển, đậy nắp kín và thả cá vào bể, các dụng cụ chứa nước sinh hoạt.
Tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, giám sát, lồng ghép công tác chỉ đạo phòng, chống dịch sốt xuất huyết tại các điểm nóng, các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch với công tác phòng chống COVID-19, hỗ trợ tuyến dưới trong công tác phòng, chống dịch đạt hiệu quả.
K.H – Nguồn các Công văn số: 1549/SYT-NV; 1596/SYT-NV