Tham dự và chủ trì Hội thảo có đồng chí GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; đồng chí Bùi Văn Nghiêm, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long; đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Tham dự Hội thảo còn có các đồng chí đại diện lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương; Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các ban, ngành trực thuộc của tỉnh Vĩnh Long; đại diện lãnh đạo các tỉnh thành gắn liền với hoạt động của đồng chí Phạm Hùng, đại diện thân nhân gia đình đồng chí Phạm Hùng, cùng các đại biểu, nhà khoa học ở Trung ương và địa phương.
Hội thảo khoa học là hoạt động thiết thực kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Phạm Hùng (11/6/1912 - 11/6/2022), nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, người cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo tài năng, tấm gương người cộng sản trọn đời phấn đấu, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì độc lập của dân tộc, tự do, hạnh phúc của nhân dân. Đây cũng là dịp để cán bộ, đảng viên và nhân dân tiếp tục tri ân và tôn vinh những cống hiến to lớn của đồng chí Phạm Hùng đối với cách mạng Việt Nam và quê hương Vĩnh Long.

Ảnh: GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu đề dẫn Hội thảo
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, đồng chí Phạm Hùng là người cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng. Với tài năng, tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, kiên định, nhiệt tình cách mạng cháy bỏng, bản lĩnh, nghị lực phi thường và tinh thần trách nhiệm cao trước Đảng, trước nhân dân, đồng chí Phạm Hùng đã được Đảng, Nhà nước tin tưởng giao nhiều trọng trách. Dù ở bất kỳ cương vị nào, dù khó khăn gian khổ đến đâu, đồng chí vẫn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Cuộc đời 76 mùa Xuân với 60 năm hoạt động cách mạng không ngừng nghỉ, đồng chí Phạm Hùng đã nêu tấm gương trong sáng, mẫu mực của người chiến sĩ cộng sản. Thực tiễn đấu tranh cách mạng đã tôi luyện đồng chí thành con người thép, phấn đấu hy sinh vì nước, vì dân. Tấm gương đạo đức, sự nghiệp cách mạng cao cả của đồng chí Phạm Hùng luôn là nguồn động lực hiến dâng, sức mạnh niềm tin cho cán bộ, đảng viên và nhân dân Vĩnh Long cũng như đồng bào Nam Bộ trong công cuộc đổi mới xây dựng quê hương, đất nước.

Ảnh: Đồng chí Bùi Văn Nghiêm, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long phát biểu tại Hội thảo
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Long Bùi Văn Nghiêm khẳng định trong suốt 60 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Phạm Hùng đã đi đến mọi miền của Tổ quốc, có mặt ở những nơi khó khăn, gian khổ nhất; hy sinh, phấn đấu trọn đời cho lý tưởng của Đảng; một lòng một dạ phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Đồng chí đã tỏ rõ phẩm chất của một người chiến sĩ cách mạng kiên cường, một cán bộ lãnh đạo gương mẫu, giàu nghị lực và bản lĩnh; một tấm gương sáng ngời của người cộng sản; sống trung thực, thẳng thắn, chan hòa với đồng chí, đồng bào. Vì vậy, đồng chí được nhân dân ta và bạn bè quốc tế tin yêu và kính trọng. Đồng chí Phạm Hùng xứng đáng là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tình cảm của đồng chí Phạm Hùng với quê hương Vĩnh Long và tình cảm của quê hương Vĩnh Long với đồng chí Phạm Hùng thật sâu đậm, gắn bó. Ngay từ khi tham gia tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, đồng chí đã đem hết nhiệt huyết vận động tuyên truyền, giác ngộ thanh niên, học sinh ở quê hương. Trong những năm tháng hoạt động cách mạng ở miền Nam và khi đất nước thống nhất, trên cương vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tuy bận nhiều công việc lo cho quốc kế dân sinh, đồng chí Phạm Hùng vẫn cố gắng sắp xếp thời gian về làm việc với Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long và thăm quê hương. Những lần đó, đồng chí luôn dành sự quan tâm thăm hỏi, gặp gỡ đồng chí, đồng bào, để lại trong lòng Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Long những tình cảm sâu sắc. Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh Vĩnh Long luôn tự hào về đồng chí Phạm Hùng - Anh Hai Hùng, người chiến sĩ dạ sắt, gan vàng, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và luôn dành cho đồng chí - người con ưu tú của quê hương những tình cảm thắm thiết đặc biệt.
Tưởng nhớ đồng chí Phạm Hùng, chúng ta nguyện học tập ý chí kiên cường, tinh thần làm việc tận tụy, hy sinh phấn đấu trọn đời vì lý tưởng của Đảng và hạnh phúc của nhân dân; học tập nhân cách đạo đức sáng ngời của một người cộng sản mẫu mực, kiên cường; quyết tâm phấn đấu xây dựng quê hương ta, đất nước ta ngày càng giàu, đẹp. Tấm gương sáng ngời của đồng chí Phạm Hùng sống mãi trong trái tim cán bộ, đảng viên và các thế hệ người Việt Nam.
Hội thảo đã nhận được gần 40 tham luận của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại diện các cơ quan và các nhà khoa học ở các ban, bộ, ngành Trung ương, tỉnh Vĩnh Long - quê hương của đồng chí Phạm Hùng và những địa phương đồng chí từng hoạt động cách mạng. Từ nhiều góc độ tiếp cận khác nhau, các nhà khoa học đã tập trung phân tích, tiếp tục khẳng định, làm sâu sắc hơn những hoạt động, cống hiến to lớn của đồng chí Phạm Hùng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam.
Hội thảo tập trung phân tích, đánh giá những hoạt động, cống hiến nổi bật của đồng chí Phạm Hùng như ảnh hưởng của quê hương, gia đình giàu truyền thống yêu nước và cách mạng - cái nôi hình thành nhân cách, nuôi dưỡng tâm hồn, nhiệt huyết, hình thành chí khí cách mạng của đồng chí Phạm Hùng. Đó là nền tảng ban đầu hết sức quan trọng đưa đồng chí từ một thanh niên trí thức giàu lòng yêu nước, đã sớm giác ngộ lý tưởng, hình thành ý chí đấu tranh chống áp bức, bất công và trở thành người chiến sĩ cộng sản kiên trung, đã hiến dâng trọn đời cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc.
Nhiều bài viết tập trung phân tích, đánh giá đồng chí Phạm Hùng là người cộng sản kiên trung của Đảng và cách mạng Việt Nam. Hội thảo còn tập trung phân tích, đánh giá những đóng góp quan trọng của đồng chí Phạm Hùng - nhà lãnh đạo tài năng trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội, trong giai đoạn đầu của công cuộc đổi mới.
Từ sự phân tích những hoạt động và cống hiến to lớn của đồng chí Phạm Hùng với Đảng và cách mạng Việt Nam, các tham luận tại Hội thảo đều đi đến thống nhất khẳng định, đồng chí là tấm gương sáng ngời của người chiến sĩ cộng sản, trọn đời chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Đồng chí là người yêu nước nhiệt thành, nhà lãnh đạo chủ chốt của Đảng và cách mạng Việt Nam, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Cuộc đời, sự nghiệp hoạt động cách mạng vẻ vang của đồng chí Phạm Hùng mãi mãi là tấm gương sáng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, các thế hệ hôm nay và mai sau học tập, noi theo. Tinh thần, bản lĩnh, phẩm chất người cộng sản của đồng chí Phạm Hùng là tài sản vô giá của Đảng và cách mạng Việt Nam, có giá trị trường tồn, sống mãi trong lòng nhân dân Việt Nam.
Hội thảo cũng tập trung luận giải và làm rõ đồng chí Phạm Hùng là người con ưu tú của quê hương Vĩnh Long và vùng đất Nam Bộ - Thành đồng Tổ quốc. Truyền thống tốt đẹp của quê hương, của dân tộc là môi trường nuôi dưỡng và góp phần hun đúc nên biết bao người con ưu tú của vùng đất “Chín Rồng”, trong đó có đồng chí Phạm Hùng - một nhân cách lớn, một người cộng sản kiên trung, tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam. Và chính đồng chí Phạm Hùng, với tài năng và nhân cách ngời sáng của mình, đã để lại dấu ấn sâu đậm cho sự phát triển của phong trào cách mạng địa phương, là nguồn động lực để Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Long phấn đấu giành được những thành quả to lớn trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển quê hương, đất nước qua các thời kỳ cách mạng. Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Long mãi mãi tự hào, tri ân sâu sắc những đóng góp của đồng chí với quê hương, đất nước; ra sức học tập và noi theo tấm gương sáng ngời, mẫu mực của người chiến sĩ cộng sản Phạm Hùng, xây dựng và phát triển quê hương Vĩnh Long ngày càng giàu đẹp, phồn vinh, hạnh phúc.

Ảnh: Toàn cảnh Hội thảo
Đồng chí Phạm Hùng, tên khai sinh là Phạm Văn Thiện, sinh tại ấp Long Thiềng, làng Long Hồ, tổng Bình Long, huyện Vĩnh Bình, tỉnh Vĩnh Long (nay thuộc xã Long Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long). Năm 1930, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1931, đồng chí được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho. Tháng 4/1931, đồng chí bị địch bắt, sau đó bị giam tại xà lim án chém ở Khám Lớn - Sài Gòn, rồi bị đày ra nhà tù Côn Đảo (01/1934). Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, đồng chí được đón về đất liền.
Năm 1946, đồng chí Phạm Hùng được cử là Bí thư Xứ ủy lâm thời Nam Bộ. Năm 1951, tại Đại hội lần thứ II của Đảng, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Năm 1952, đồng chí được chỉ định làm Ủy viên Trung ương Cục miền Nam, sau đó là Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam kiêm Bí thư và Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính Phân Liên khu Đông Nam Bộ. Năm 1954, Hiệp định Giơnevơ được ký kết, đồng chí được cử làm Trưởng đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam trong Ban Liên hiệp đình chiến Nam Bộ và Trưởng phái đoàn liên lạc Quân đội nhân dân Việt Nam bên cạnh Ủy ban Quốc tế tại Sài Gòn.
Năm 1956, tại Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II, đồng chí được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Thống nhất Trung ương; Năm 1957, đồng chí được cử là chức Bộ trưởng Phủ Thủ tướng. Tháng 4/1958, tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa I, đồng chí là Phó Thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Năm 1967, đồng chí được Bộ Chính trị phân công vào chiến trường miền Nam, làm Bí thư Trung ương Cục miền Nam và Chính ủy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam; Năm 1975, là Chính ủy Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Năm 1976, tại Đại hội lần thứ IV của Đảng, đồng chí tiếp tục được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ (từ năm 1981 là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng). Từ năm 1980-1986, đồng chí kiêm chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an). Tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa VIII (6-1987), đồng chí được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đồng chí là đại biểu Quốc hội các khóa II, III, VI, VII, VIII. Đồng chí Phạm Hùng mất ngày 10/3/1988 khi đang đi công tác tại Thành phố Hồ Chí Minh.
N.H