Theo đó, mục tiêu và nội dung của Đề án là tập trung đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá nâng cao nhận thức của toàn xã hội đối việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ. Tạo điều kiện để thực hành, sáng tạo và truyền dạy nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ trong gia đình, nhà trường, câu lạc bộ, cộng đồng dân cư và lồng ghép vào các chương trình biểu diễn nghệ thuật.
Tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của câu lạc bộ Đờn ca tài tử; tăng cường hiệu quả kinh tế của loại hình nghệ thuật này. Chú trọng đào tạo lực lượng kế thừa để phát huy khả năng sáng tác, hướng tới việc tham gia biểu diễn mang tầm quốc gia, quốc tế và đăng cai tổ chức Liên hoan Đờn ca tài tử Nam Bộ. Tiếp tục sưu tầm, kiểm kê, phân loại các tư liệu bảo tồn và phát huy nghệ thuật Đờn ca tài tử. Biên soạn, in ấn, phổ biến tài liệu giới thiệu tổng quan về nghệ thuật Đờn ca tài tử tỉnh Vĩnh Long.
Đẩy mạnh phối hợp với các cơ quan truyền thông, các hội nghề nghiệp tổ chức định kỳ các chương trình giới thiệu, quảng bá về nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ nhằm giáo dục thẩm mỹ, cảm thụ nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ tới công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ. Chú trọng chế độ đãi ngộ, khen thưởng và xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân, “Nghệ nhân ưu tú” cho các nghệ nhân có nhiều đóng góp trong bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ trên địa bàn.
Tỉnh Vĩnh Long là địa phương ở Nam Bộ có loại hình nghệ thuật Đờn ca tài tử được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2013. Giai đoạn 2015 – 2020, tỉnh đã ban hành Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Đơn ca tài tử Vĩnh Long với nhiều nội dung thiết thực và quan trọng, tạo tiền đề cho công tác quản lý, định hướng bảo tồn và phát triển loại hình nghệ thuật Đờn ca tài tử ở địa phương.
Tiếp tục thực hiện cam kết với UNESCO và văn bản của Bộ VHTT&DL về bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ, tỉnh ban hành Đề án giai đoạn tiếp theo nhằm huy động nguồn lực mới, sự đầu tư đồng bộ, thiết thực và hiệu quả của Nhà nước và toàn xã hội cho loại hình nghệ thuật Đờn ca tài tử tiếp tục được bảo tồn và phát huy theo đúng định hướng, tính chất, bảo lưu những giá trị nghệ thuật truyền thống song song với sự phát triển của xã hội trong giai đoạn mới.
Ngọc Lan – Nguồn Quyết định số: 1109/QĐ-UBND