Theo đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh giao Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố nghiên cứu các chỉ số liên quan và khuyến nghị tại Báo cáo chỉ số đánh giá Chi phí tuân thủ thủ tục hành chính (APCI) năm 2021, lồng ghép vào báo cáo kết quả rà soát, đánh giá thủ tục hành chính năm 2022 tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị Bộ, ngành Trung ương những nội dung thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực nhằm tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm thực chất thủ tục hành chính, quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh và chi phí tuân thủ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, đơn vị, địa phương.
Báo cáo APCI là nguồn thông tin quan trọng phản ánh ý kiến trực tiếp từ doanh nghiệp đối với quy định pháp luật và hoạt động thực thi pháp luật để thực hiện thành công mục tiêu được đề ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ năm 2022 về “cắt giảm thực chất các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh và đẩy mạnh chuyển đổi số” theo tinh thần chủ đề điều hành của Chính phủ nhiệm kỳ khoá XV “Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển”. Báo cáo APCI cũng sẽ góp phần thúc đẩy việc thực hiện để đạt được các mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ năm 2022 về nâng cao thứ hạng của Việt Nam trên các bảng xếp hạng quốc tế về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh. Đồng thời, Báo cáo sẽ là một nguồn thông tin “bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn và lấy thực tiễn làm thước đo” để giúp cho các cơ quan nhà nước có những chỉ đạo tháo gỡ nút thắt, điểm nghẽn trong việc ban hành, tổ chức thực hiện thể chế, pháp luật, thủ tục hành chính, từ đó, góp phần giảm nhũng nhiễu, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp đúng như tinh thần chỉ đạo củaThủ tướng Chính phủ tại phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật vào tháng 01/2022.
Các TTHC thuộc phạm vi đánh giá của Báo cáo APCI 2021 được lựa chọn dựa trên hai nguyên tắc là: các nhóm TTHC liên quan đến vòng đời hoạt động của doanh nghiệp và các nhóm TTHC gắn với ưu tiên cải cách liên quan đến cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của Chính phủ
Nhóm TTHC Đất đai: Nhờ nỗ lực cải cách của ngành tài nguyên và môi trường (TNMT), trong năm 2020-2021, tổng số TTHC về đất đai đã được giảm đáng kể, trong đó các thủ tục không cần thiết trong giao đất, cho thuê đất và đăng ký, cấp giấy chứng nhận (GCN) thuộc thẩm quyền của cấp xã trước đây như xác nhận tình trạng tranh chấp đối với trường hợp đăng ký, cấp GCN mà người sử dụng có giấy tờ về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đã được bãi bỏ. Để thực hiện một TTHC trong nhóm Đất đai, trung bình mỗi doanh nghiệp phải bỏ ra 36,6 giờ, chi phí trực tiếp là khoảng 3,1 triệu đồng. Mặc dù không có sự khác biệt đáng kể về chi phí trực tiếp qua các năm, nhưng chi phí thời gian của doanh nghiệp dành cho các TTHC Đất đai tăng đáng kể. Việc doanh nghiệp thuê các đơn vị trung gian tư vấn ngày càng trở nên phổ biến, nhưng việc doanh nghiệp giao phó toàn bộ công việc thực hiện TTHC về Đất đai cho đơn vị trung gian tư vấn thì có xu hướng giảm đi. Ngoài ra, mức độ phổ biến về chi phí không chính thức trong các TTHC về Đất đai cũng có xu hướng tăng lên là những tín hiệu về việc cần phải đẩy mạnh DVC trực tuyến, và chia sẻ cơ sở dữ liệu về đất đai.
Nhóm TTHC Giấy phép, chứng chỉ hành nghề, điều kiện kinh doanh: Để thực hiện TTHC nhóm Giấy phép, chứng chỉ hành nghề, điều kiện kinh doanh, trung bình mỗi doanh nghiệp phải bỏ ra xấp xỉ 64,5 giờ, chi phí trực tiếp là 2,9 triệu đồng. Thời gian thực hiện TTHC có sự thay đổi đáng kể so với những năm trước đây, đặc biệt là ở khâu Chuẩn bị hồ sơ. Mặc dù vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các bước thực hiện thủ tục, thời gian Chuẩn bị hồ sơ trong nhóm TTHC này đã giảm xấp xỉ 13%, cụ thể từ khoảng 93% xuống 80%. Trong đó, doanh nghiệp thường mất nhiều thời gian thực hiện các công việc bao gồm tham gia tập huấn, bồi dưỡng kiến thức và thu thập các loại giấy tờ theo yêu cầu). Trong năm 2020-2021, chia sẻ khó khăn của doanh nghiệp do đại dịch COVID-19, một số TTHC đã được giảm lệ phí thực hiện từ 10% đến 30%. Chỉ có 4/7 TTHC được khảo sát có thể thực hiện trực tuyến, trong đó nhóm thủ tục thuộc lĩnh vực y tế dẫn đầu về tỷ lệ doanh nghiệp lựa chọn phương thức nộp hồ sơ trực tuyến. Tương tự như kết quả ở các kỳ khảo sát trước, năm 2021 vẫn ghi nhận một tỷ lệ nhỏ doanh nghiệp (3,5%) đã phải chi trả chi phí không chính thức khi thực hiện các TTHC này.
Nhóm TTHC Đầu tư: Năm 2021, trung bình mỗi doanh nghiệp phải bỏ ra 68,9 giờ và 3,8 triệu đồng để thực hiện một TTHC về Đầu tư. Khảo sát APCI 2021 ghi nhận những trải nghiệm khác biệt đáng kể giữa nhóm doanh nghiệp quy mô nhỏ với nhóm doanh nghiệp quy mô lớn về CPTT. Nhóm doanh nghiệp quy mô lớn có chi phí chỉ bằng 1/3 so với CPTT của nhóm doanh nghiệp quy mô nhỏ. Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong quá trình tìm hiểu thông tin và hoàn thiện bộ hồ sơ cấp phép, đặc biệt là với thủ tục Quyết định chủ trương đầu tư của UBND cấp tỉnh. Mức độ phổ biến của DVC trực tuyến trong nhóm này là 3,9% và chủ yếu ở khâu nộp hồ sơ. Trong bối cảnh bùng phát của đại dịch COVID-19, dịch vụ bưu chính là lựa chọn của 12,7% doanh nhiệp để nhận kết quả. Kết hợp giữa nộp hồ sơ trực tuyến và nhận kết quả qua bưu điện có thể là lựa chọn tối ưu cho doanh nghiệp để giảm thời gian thực hiện TTHC trong khi GCN Đầu tư bản giấy vẫn có nhiều giá trị liên quan đến ưu đãi đầu tư. Dù chưa phải là những tỷ lệ cao theo kỳ vọng, những số liệu này là đáng khích lệ trong số chín nhóm TTHC của APCI. Về chi phí không chính thức, 15% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết chi trả khoản này nhằm đẩy nhanh quá trình xử lý hồ sơ, hoặc là mang tính chất “quà cảm ơn”, “thù lao” cho cán bộ chuyên môn trong các hoạt động thực địa.
Nhóm Khởi sự doanh nghiệp: Năm 2020-2021, nhiều cải cách về mặt chính sách và pháp luật hỗ trợ khởi sự doanh nghiệp như bỏ quy định yêu cầu doanh nghiệp phải nộp bộ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp bằng bản giấy sau khi bộ hồ sơ nộp qua mạng điện tử, miễn và giảm phí, lệ phí liên quan đến đăng ký doanh nghiệp, và miễn lệ phí môn bài trong năm đầu thành lập. Ngoài ra, nhiều địa phương cũng áp dụng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong việc thực hiện TTHC như hỗ trợ cước dịch vụ bưu chính khi nhận kết quả TTHC trong giai đoạn bùng phát dịch COVID-19. Khảo sát năm 2021, trung bình doanh nghiệp bỏ ra 8,3 giờ làm việc và 467 nghìn đồng chi phí trực tiếp để hoàn thành một thủ tục về Khởi sự doanh nghiệp. Chi phí trực tiếp đã giảm so với năm liền trước, tuy nhiên mức giảm chưa nhiều. Tỷ lệ doanh nghiệp lựa chọn hình thức trực tuyến để thực hiện các TTHC về Khởi sự doanh nghiệp chưa như kỳ vọng do việc thực hiện trực tuyến chưa tạo ra sự khác biệt đáng kể so với hình thức trực tiếp. Vẫn còn khoảng 2% doanh nghiệp tham gia khảo sát đã chi trả chi phí không chính thức ở các khâu có tiếp xúc với cán bộ giải quyết TTHC để được có dịch vụ tốt hơn.
Nhóm TTHC Kiểm tra chuyên ngành: Năm 2021, trung bình mỗi doanh nghiệp mất 14,5 giờ và gần 2 triệu đồng chi phí trực tiếp. Trong số các DVC trực tuyến đã được triển khai với các TTHC Kiểm tra chuyên ngành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) và Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN), dường như doanh nghiệp gặp thuận lợi hơn khi thực hiện các TTHC thuộc Bộ KHCN, với thời gian phải bỏ ra ít hơn, đặc biệt ở các khâu Nộp hồ sơ và Nhận kết quả. Không có sự khác biệt đáng kể về thời gian doanh nghiệp dành cho việc Tìm hiểu thông tin và Chuẩn bị hồ sơ ở các TTHC do ba Bộ quản lý. Trong số các thủ tục Kiểm tra chất lượng hàng hóa của ba Bộ được khảo sát, chi phí cho Kiểm dịch thực vật/động vật có mức chi phí trực tiếp trung bình thấp nhất so với các chi phí Kiểm tra chất lượng hàng hóa thuộc Bộ KHCN và Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT). Mức độ phổ biến của chi phí không chính thức là 21,3%, đây là tỷ lệ cao nhất trong số chín nhóm TTHC được khảo sát trong APCI. Chi phí không chính thức phát sinh nhiều nhất ở các TTHC thuộc Bộ NNPTNT.
Nhóm TTHC Môi trường: Sự cải thiện tích cực của nhóm TTHC Môi trường tại APCI 2021 khẳng định sự đúng đắn của việc đổi mới phương thức quản lý môi trường “từ bị động giải quyết sang chủ động phòng ngừa”, chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” hướng tới mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững trong Nghị định số 40/2019/NĐ-CP. Để thực hiện TTHC trong nhóm Môi trường, trung bình mỗi doanh nghiệp phải bỏ ra 284,9 giờ, và 14,4 triệu đồng chi phí trực tiếp. Chi phí trực tiếp cho việc lấy mẫu, quan trắc môi trường của các doanh nghiệp tăng cao ở khâu thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Doanh nghiệp mới chỉ có thể thực hiện 1 trong số 3 TTHC về Môi trường được khảo sát. Dù vậy, việc nhận kết quả trực tuyến vẫn chưa thể được thực hiện ở bất kỳ thủ tục nào. Đà Nẵng là địa phương được nhiều doanh nghiệp nhắc đến với những trải nghiệm hài lòng về nộp hồ sơ 13 trực tuyến. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tỷ lệ doanh nghiệp lựa chọn nhận kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính có tăng nhẹ. Tỷ lệ doanh nghiệp thuê dịch vụ trọn gói để thực hiện TTHC giảm rõ rệt ở năm 2021 (chỉ chiếm 1% doanh nghiệp tham gia khảo sát). Chi phí không chính thức vẫn phổ biến ở mức độ 11,4%.
Nhóm TTHC Thuế: Khảo sát APCI 2021 cho thấy để thực hiện các TTHC trong nhóm Thuế, doanh nghiệp hầu như chỉ phải chi trả các chi phí nguồn lực (thời gian làm việc, trung bình 5 giờ), chi phí trực tiếp hầu như không có hoặc không đáng kể (trung bình 374 nghìn đồng). Năm 2021, tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện TTHC Thuế lựa chọn nộp hồ sơ thông qua phương thức trực tuyến rất cao: 100% đối với Khai thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ; 92% đối với Khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp. Các hoạt động về Chuẩn bị và hoàn thiện hồ sơ là nút thắt đối với cải cách TTHC Thuế, và cũng đang được Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế gỡ bỏ dần dần thông qua việc áp dụng rộng rãi hóa đơn điện tử, và lược bỏ Văn bản xác nhận hoàn thành nghĩa vụ thuế đối với hoạt động xuất nhập khẩu của Tổng cục Hải quan trong thủ tục Hoàn thành nghĩa vụ trước khi giải thể…. Tỷ lệ thực hiện TTHC trực tuyến cao giúp doanh nghiệp giảm thiểu các chi phí trực tiếp, và giảm khả năng phát sinh chi phí không chính thức do không tiếp xúc với cán bộ CQNN. Năm 2021, các doanh nghiệp được khảo sát về TTHC Thuế không phản ánh về việc phải chi trả chi phí không chính thức khi thực hiện các thủ tục về Thuế.
Nhóm TTHC Xây dựng: Luật Xây dựng sửa đổi 2020 và Nghị định số 15/2021/NĐ-CP đã rút ngắn thời gian cấp giấy phép xây dựng, tích hợp nhiều TTHC thành một, phân cấp thẩm quyền thẩm định cho chủ đầu tư/cán bộ địa phương, từ đó giúp đơn giản hoá quá trình thực hiện TTHC và dự kiến cắt giảm đáng kể CPTT cho các doanh nghiệp. Theo APCI 2021, để thực hiện TTHC Xây dựng, trung bình mỗi doanh nghiệp phải bỏ ra khoảng 49,6 giờ và hơn 12 triệu đồng chi phí trực tiếp. Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng DVC trực tuyến có sự cải thiện rõ rệt mặc dù vẫn ở mức thấp so với các nhóm khác. Nhiều doanh nghiệp thể hiện mong muốn nộp hồ sơ trực tuyến để tiết kiệm chi phí dành cho in ấn, đặc biệt trong trường hợp phải chỉnh sửa, bổ sung hồ sơ nhiều lần. So với kết quả ở kỳ khảo sát năm 2020, tỷ lệ doanh nghiệp chi trả chi phí không chính thức khi thực hiện các TTHC Xây dựng giảm đáng kể (3% năm 2021 so với 16% năm 2020).
LHMD – Nguồn Công văn 3080/UBND-PVHCC