Mục tiêu của chương trình nhằm tập trung huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của tỉnh để phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tạo công ăn việc làm, phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy xuất khẩu và liên kết phát triển các ngành công nghiệp sạch và xanh, đảm bảo an sinh xã hội… Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao hình ảnh, vị thế của tỉnh để tăng khả năng thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Huy động mọi nguồn lực thực hiện có hiệu quả các hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh; chuẩn bị tốt cơ sở hạ tầng kỹ thuật, quỹ đất, để thu hút các dự án lớn, dự án có tác động đột phá, lan tỏa, các dự án phát triển công nghiệp trên nền tảng nông nghiệp, các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo, du lịch gắn với nông nghiệp. Rà soát tháo gỡ khó khăn; khuyến khích, tạo điều kiện cho các dự án kinh doanh có hiệu quả mở rộng quy mô, năng lực sản xuất, tăng quy mô vốn đầu tư. Trên cơ sở đó đôn đốc, hỗ trợ nhà đầu tư triển khai nhanh các dự án đã được cấp chủ trương/giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Trên cơ sở các nguyên tắc lựa chọn đối tác Xúc tiến Đầu tư. Chương trình Xúc tiến Đầu tư năm 2023 của tỉnh Vĩnh Long chú trọng mời gọi đầu tư tập trung vào một số đối tác như sau:
Hàn Quốc: Tính đến 20/3/2022, Hàn Quốc có 9.265 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt 78,56 tỷ USD, xếp thứ nhất trong số quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Về ngành nghề đầu tư, FDI của Hàn Quốc tập trung vào nhóm lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Các tập đoàn lớn như Samsung, LG, Hyosung... là những nhà đầu tư lớn nhất trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo của Hàn Quốc tại Việt Nam. Tại tỉnh Vĩnh Long, Hàn Quốc hiện có 17 dự án đầu tư đang hoạt động kinh doanh có hiệu quả với tổng vốn đăng ký 96,78 triệu USD chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo... Đây sẽ là kênh thông tin giúp các nhà đầu tư Hàn Quốc nắm bắt các thông tin về môi trường đầu tư tại tỉnh Vĩnh Long.
Singapore: là quốc gia Đông Nam Á có đầu tư FDI lớn nhất vào Việt Nam. Tính đến ngày 20/3/2022, Singapore có 2.866 dự án đầu tư còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư lên tới 67,56 tỷ USD, đưa Singapore trở thành nhà đầu tư FDI lớn thứ hai (sau Hàn Quốc). Trong hơn 3 thập kỷ qua, đầu tư của Singapore tăng đều qua các giai đoạn cả về tiêu chí vốn đầu tư, số dự án và quy mô vốn đầu tư bình quân hàng năm. Các dự án đầu tư của Singapore ngay từ đầu được tập trung chủ yếu ở hai ngành công nghiệp chế biến chế tạo và kinh doanh bất động sản. Ngành sản xuất phân phối điện, khí, nước, điều hòa thu hút mạnh đầu tư, đặc biệt trong những năm gần đây. Xu hướng đầu tư của Singapore trong thời gian tới: chủ yếu tập trung vào các dự án hạ tầng khu công nghiệp, hạ tầng thương mại, bất động sản, logistics, cảng biển, năng lượng, giáo dục... Tại Vĩnh Long, Singapore hiện có 05 dự án đã đầu tư với tổng mức đầu tư khoảng 90,4 triệu USD chủ yếu trong lĩnh vực chế biến thực phẩm. Đây sẽ là kênh thông tin giúp các nhà đầu tư Singapore nắm bắt các thông tin về môi trường đầu tư tại tỉnh Vĩnh Long.
Nhật Bản: Tính đến ngày 20/3/2022, Nhật Bản có 4.828 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 64,41 tỷ USD, xếp thứ 3 trong số quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam (sau Hàn Quốc và Singapore). - FDI vào Việt Nam theo các nhóm ngành của Nhật Bản có điểm nổi bật nhất là sự vượt trội của nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Tiếp đến là nhóm ngành về hoạt động kinh doanh bất động sản và nhóm ngành “Sản xuất, phân phối điện, khí, nước, điều hòa”. Hiện Vĩnh Long có 09 dự án của đối tác Nhật Bản thực hiện đầu tư với tổng vốn đăng ký đầu tư 102,85 triệu USD trong lĩnh vực cơ khí, chế biến... Đây sẽ là kênh thông tin, quan trọng giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản nắm bắt được các thông tin cụ thể về môi trường đầu tư tại Vĩnh Long.
Đài Loan: luôn thuộc nhóm dẫn đầu các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Tính đến ngày 20/3/2022, Đài Loan xếp thứ 4 với số vốn đầu tư lũy kế khoảng 35,86 tỷ USD với 2.860 dự án còn hiệu lực. Phần lớn vốn đầu tư từ Đài Loan là vào các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Xu hướng đầu tư trong thời gian tới: Đài Loan tiếp tục duy trì là nhà đầu tư nước ngoài lớn tại Việt Nam. Ngoài đầu tư trực tiếp, doanh nghiệp Đài Loan còn sử dụng pháp nhân thứ 3 để đăng ký đầu tư. Lĩnh vực đầu tư trong thời gian tới sẽ tập trung nhiều hơn trong lĩnh vực điện tử, công nghệ... Tại Vĩnh Long, Đài Loan hiện có 08 dự án đã đầu tư với tổng mức đầu tư khoảng 214,3 triệu USD chủ yếu trong các lĩnh vực chế biến, chế tạo... Đây sẽ là kênh thông tin giúp các nhà đầu tư Đài Loan nắm bắt các thông tin về môi trường đầu tư tại tỉnh Vĩnh Long.
EU: Tính đến ngày 20/3/2022, đầu tư trực tiếp nước ngoài của EU vào Việt Nam khoảng 2.302 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 27,28 tỷ USD. Về ngành nghề đầu tư, FDI của EU vào Việt Nam khá đa dạng với nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là nhóm ngành luôn đứng đầu trong 19 nhóm ngành đầu tư. Tiếp theo sau là hai nhóm ngành hoạt động kinh doanh bất động sản và bán buôn, bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy. Trong nền kinh tế của liên minh Châu Âu, vương quốc Hà Lan là một quốc gia phát triển lâu đời và có một vị trí quan trọng, với các ngành kinh tế mũi nhọn: dịch vụ; công nghiệp và nông nghiệp. Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), lũy kế đến ngày 20/3/2022, tổng số dự án còn hiệu lực của Hà Lan là 380 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 13,56 tỷ USD, xếp thứ 8/139 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Hà lan là nhà đầu tư Châu Âu lớn nhất tại Việt Nam. Tại Vĩnh Long hiện có Công ty TNHH DeHeus (Hà Lan) đã đầu tư vào tỉnh với 04 dự án với tổng mức đầu tư khoảng 81,04 triệu USD về lĩnh vực chế biến thức ăn gia súc, thủy sản và trại thực nghiệm thủy sản. Bên cạnh đó, tỉnh Vĩnh Long cũng đã ký kết Thỏa thuận hợp tác với tỉnh Gelderland thuộc Vương quốc Hà Lan trong các lĩnh vực nông nghiệp, dinh dưỡng vật nuôi, sản xuất thực phẩm và an toàn thực phẩm. - Đồng thời, tỉnh thường xuyên trao đổi thông tin với các tổ chức, cơ quan, các hiệp hội nước ngoài như: JICA, JETRO, KOTRA, EUROCHAM, AMCHAM, AEC... thông qua đó, kết nối quảng bá về tiềm năng của địa phương tới cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài.
LHMD – Nguồn Công văn số:3137/UBND-KTNV