Năm 2021, dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, an toàn của người dân và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã ban hành những chính sách kịp thời để phòng, chống dịch, hỗ trợ cho người dân ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó đã nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức (NDTC) đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (CQHCNN) năm 2021 trên địa bàn tỉnh.
Chỉ số SIPAS năm 2021 của tỉnh có tăng so với năm 2020 (tăng 11 bậc) đây là kết quả đáng khích lệ trong quá trình thực hiện cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh nói chung, cải cách thủ tục hành chính (TTHC) nói riêng.
Quá trình triển khai khảo sát SIPAS được sự quan tâm chỉ đạo chặt chẽ của UBND tỉnh, sự phối hợp tích cực của các cơ quan, đơn vị trong quá trình cung cấp số liệu (kết quả giải quyết TTHC), Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Vĩnh Long, Hội Cựu chiến binh tỉnh Vĩnh Long và sự tham gia tích cực, có trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên trong quá trình triển khai thực hiện.
Bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn nhiều vấn đề trong quá trình tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả TTHC, dẫn đến kết quả Chỉ số SIPAS của tỉnh chưa đạt được điểm số, thứ hạng cao, cụ thể: Công tác thông tin, tuyên truyền về công tác CCHC nói chung, cải cách TTHC nói riêng, nâng cao chất lượng phục vụ người dân cũng như hoạt động, kết quả đo lường sự hài lòng của NDTC chưa thực sự phù hợp, hiệu quả ; vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức gây phiền hà, nhũng nhiễu người dân, tổ chức trong quá trình giải quyết TTHC.
Về phía người dân, vẫn còn có người chưa nhận thức đầy đủ, đúng đắn về quyền lợi và trách nhiệm của mình trong việc giám sát, phản hồi ý kiến với chính quyền, cơ quan hành chính để xây dựng một nền hành chính phục vụ, ngày càng đáp ứng nhu cầu của người dân tốt hơn, mang lại cuộc sống có chất lượng tốt hơn cho người dân.
Các chỉ số nhận định, đánh giá của NDTC về các hình thức tiếp cận thông tin về dịch vụ chỉ ra rằng NDTC hiện nay chủ yếu sử dụng hình thức tiếp cận thông tin thông qua công chức (64.75%) và rất ít NDTC sử dụng hình thức tiếp cận thông tin thông qua tài liệu niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan (7.00%), qua mạng internet (6.75%). Việc NDTC phụ thuộc vào công chức để tiếp cận thông tin về dịch vụ cho thấy NDTC chưa có thói quen chủ động tìm hiểu, nắm bắt thông tin và việc phụ thuộc quá nhiều vào công chức sẽ tạo cơ hội cho sự phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực của công chức trong quá trình cung ứng dịch vụ.
Việc NDTC ít sử dụng hình thức tiếp cận thông tin qua mạng internet cho thấy NDTC chưa có thói quen sử dụng máy tính/thiết bị điện tử hoặc không có khả năng tiếp cận máy tính, mạng internet, không biết sử dụng máy tính.... Và như vậy, việc giao dịch dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4 càng trở nên khó khăn, khó khả thi đối với họ...
Các chỉ số nhận định, đánh giá của NDTC về việc phải đi lại nhiều lần, bị trễ hẹn trả kết quả dịch vụ, bị công chức gây phiền hà, sách nhiễu, không nhận được thông báo về việc trễ hẹn trả kết quả, không nhận được xin lỗi về trễ hẹn ... mặc dù không cao nhưng còn diễn ra. Qua đó có thể thấy, các quy định liên quan đến cung ứng dịch vụ công cho NDTC ở các cơ quan, đơn vị chưa được thực hiện nghiêm.
Đối tượng điều tra xã hội học được chọn đại diện cho mọi thành phần nhân khẩu học, có trình độ, hiểu biết, nhận thức đa dạng…cũng ảnh hưởng một phần đến kết quả nhận định, đánh giá sự phục vụ của CQHCNN.
LHMD – Nguồn Báo cáo 300/BC-SNV