Theo báo cáo tại Hội nghị, vốn đầu tư công giao đầu năm 2022 (không kể vốn trung ương thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia) là trên 4.110 tỷ đồng; đến nay qua 7 tháng đã thực hiện được trên 1.617 tỷ đồng, đạt 39,36%; giải ngân được hơn 1.573 tỷ đồng, đạt 38,29% kế hoạch, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2021 (so với 6 tháng giải ngân tăng 235 tỷ đồng).
Đối với các công trình chuyển tiếp thì theo kế hoạch năm 2022 có 139 công trình chuyển tiếp với kế hoạch vốn trên 3.008 tỷ đồng, chiếm 68,32% tổng kế hoạch vốn, đã giải ngân trên 1.806 tỷ đồng, đạt 60%; hiện còn 11 dự án chuyển tiếp chưa giải ngân; 51 dự án chuyển tiếp giải ngân dưới 50% Còn đối với dự án khởi công mới thì Kế hoạch vốn năm 2022 có 60 dự án khởi công mới với tổng số vốn 744,19 tỷ đồng, chiếm 46,63% tổng kế hoạch vốn, đến nay đã giải ngân được 347,049 tỷ đồng, đạt 46,63%. Đến ngày 31/7/2022 đã khởi công 48 dự án/công trình.
Công tác giải phóng mặt bằng có chuyển biến nhưng còn chậm; còn dự án vướng giải phóng mặt bằng, chưa đảm bảo được mặt bằng để thi công; giải quyết các kiến nghị trong bồi thường GPMB đối với một số địa phương/dự án còn chậm.
Có thể thấy, tiến độ triển khai và giải ngân kế hoạch vốn còn chậm, giải ngân còn đạt thấp so với kế hoạch. Công tác bồi hoàn giải phóng mặt bằng đối với một số dự án còn chậm. Nhiều dự án thiết kế 2 bước đang khảo sát lập thiết kế thi công dự toán, thời gian thực hiện kéo dài; Nguồn vốn đầu tư khó khăn, nguồn cân đối ngân sách dự kiến đạt thấp so với dự toán…
Có nhiều nguyên nhân như một số dự án có quy mô lớn, thiết kế hai bước hiện nay đang tiếp tục công tác thiết kế thi công - dự toán; một số dự án có khối lượng/số hộ giải phóng mặt bằng lớn, thủ tục và thời gian thực hiện dài; giá nguyên nhiên liệu và vật liệu xây dựng tăng cao trong thời gian qua có ảnh hưởng đến việc thực hiện một số dự án; một số dự án phải rà soát điều chỉnh tổng mức đầu tư theo thực tế…
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, ông Lê Quang Trung – Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo XDCB tỉnh đề nghị các địa phương phải tập trung thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng; đồng thời ông cũng yêu cầu trong thời gian tới các yếu kém, hạn chế phải được khắc phục ngay. Song song đó, ông cũng đề nghị Chủ tịch UBND cấp huyện phải báo cáo, đề xuất, tham mưu cho Ban Thường vụ cấp huyện để chỉ đạo các sở, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cùng tham gia cũng như có sự chỉ đạo để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc.

Ảnh: Ông Lê Quang Trung – Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Xây dựng cơ bản tỉnh phát biểu chỉ đạo
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cũng đề nghị phải khẩn trương và tập trung thực hiện quy trình vận động, tổ chức cưỡng chế để bàn giao mặt bằng, nhất là các công trình chuyển tiếp, các công trình nguồn vốn của Trung ương, vốn ODA; nhanh chóng bồi hoàn giải phóng mặt bằng các công trình/ dự án năm 2022; khẩn trương xác định giá đất cụ thể, kiểm kê, áp giá bồi hoàn, phê duyệt phương án bồi hoàn để tiến hành bồi hoàn; tập trung tổ chức đấu thầu, chấm thầu, khởi công các công trình/dự án đã có kế hoạch lựa chọn nhà thầu; tăng cường công tác phối hợp, chủ động, kịp thời tham mưu, đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ về khối lượng, giải ngân, nhất là các công trình trọng điểm chào mừng các ngày lễ lớn, các công trình thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia năm 2022; tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm; khẩn trương hoàn thiện hồ sơ các dự án/công trình thuộc kế hoạch vốn năm 2023, chậm nhất là 31/8/2022 phải gửi hồ sơ về Sở Kế hoạch và Đầu tư để thẩm định; sau ngày 31/10/2022 UBND tỉnh sẽ không phê duyệt dự án; đồng thời phải chủ động trong việc lựa chọn tư vấn, kịp thời thiết kế dự toán, khi có phân bổ vốn thì dự án sớm được phê duyệt triển khai.
“Không có mặt bằng để thi công thì Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm. Có mặt bằng nhưng không thi công thì chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm”- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo XDCB tỉnh cũng nhấn mạnh tại cuộc họp.
N.H