Hiện nay, tỉnh Vĩnh Long có 05 Khu Công nghiệp nằm trong quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, gồm: 03 Khu Công nghiệp được thành lập (Khu Công nghiệp Hòa Phú và Khu Công nghiệp Bình Minh đã đi vào hoạt động. Riêng Khu Công nghiệp Đông Bình đang trong quá trình chuẩn bị bồi hoàn giải tỏa và hỗ trợ tái định cư); 02 Khu Công nghiệp đã thu hút được nhà đầu tư hạ tầng (Khu Công nghiệp Bình Tân và Khu Công nghiệp An Định), các nhà đầu tư hạ tầng đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ để trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư, cụ thể như sau:
Khu Công nghiệp Hòa Phú (giai đoạn 1) được thành lập năm 2007, Khu Công nghiệp Hòa Phú (giai đoạn 2) thành lập năm 2010 và đã đi vào hoạt động. Tổng diện tích đất tự nhiên là 250,97 ha, đất công nghiệp để cho thuê 191 ha. Kết quả thu hút đầu tư vào Khu Công nghiệp: Đất Công nghiệp đã cho thuê đạt tỷ lệ 100%, với 31 dự án đầu tư thứ cấp thuê lại đất. Các dự án đầu tư thứ cấp khi đi vào hoạt động đã góp phần tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, cụ thể như giải quyết việc làm: Khu Công nghiệp Hòa Phú hiện có 35.179 lao động đang làm việc cho các doanh nghiệp. Doanh thu năm 2021 là 13.338,87 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2022 là 10.740,06 tỷ đồng. Giá trị xuất khẩu năm 2021 là 388,64 triệu USD. Trong 6 tháng đầu năm 2022 là 296,04 triệu USD.
Khu công nghiệp Bình Minh được thành lập năm 2007 và đã đi vào hoạt động. Tổng diện tích đất tự nhiên là 134,82 ha, trong đó đất công nghiệp để cho thuê 92,9 ha. Đất công nghiệp đã cho thuê đạt tỷ lệ 94,77% với 27 dự án đầu tư thứ cấp thuê lại đất. Về hiệu quả kinh tế - xã hội, các dự án đầu tư thứ cấp khi đi vào hoạt động đã góp phần tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, cụ thể như giải quyết việc làm: Khu Công nghiệp Bình Minh hiện có 14.254 lao động đang làm việc cho các doanh nghiệp trong KCN. Doanh thu năm 2021 là 3.750,01 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2022 là 2.936,97 tỷ đồng. Giá trị xuất khẩu năm 2021 là 39,48 triệu USD. Trong 6 tháng đầu năm 2022 là 45,42 triệu USD.
Khu công nghiệp Đông Bình có tổng diện tích 350 ha được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 410/QĐ-TTg ngày 22/3/2021 và UBND tỉnh Vĩnh Long ban hành Quyết định số 822/QĐ-UBND ngày 08/4/2021 về việc Thành lập Khu công nghiệp Đông Bình, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Hiện tại, khu công nghiệp Đông Bình đang trong giai đoạn chuẩn bị bồi hoàn, giải tỏa và hỗ trợ tái định cư. Trong 6 tháng đầu năm 2022, UBND tỉnh Vĩnh Long đã tích cực chỉ đạo UBND Thị xã Bình Minh tập trung phối hợp với chủ đầu tư, các ngành có liên quan đẩy mạnh công tác chuẩn bị đền bù, giải tỏa, hỗ trợ tái định cư tại Khu công nghiệp Đông Bình nhằm tạo quỹ đất sạch đáp ứng cho nhu cầu mời gọi đầu tư, cũng như nhu cầu mở rộng đầu tư của các doanh nghiệp hiện tại trên địa bàn tỉnh.
Khu công nghiệp Bình Tân có tổng diện tích khu công nghiệp 400 ha. Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu Công nghiệp Bình Tân, nhà đầu tư (Công ty Cổ phần khu Công nghiệp Gilimex Vĩnh Long) đã trình và đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, đang trong giai đoạn trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư.
Khu công nghiệp An Định có tổng diện tích khu công nghiệp 200 ha. Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu Công nghiệp An Định, nhà đầu tư (Công ty Cổ phần Long Hậu) đang trong quá trình lập hồ sơ trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư.
Việc hình thành và phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội rõ nét. Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp tại khu công nghiệp góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động; gia tăng sản lượng công nghiệp; kim ngạch xuất khẩu; tăng thu ngân sách; giải quyết việc làm cho nhiều lao động; có tác động lan tỏa góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực và các vùng lân cận.
Khu công nghiệp hình thành và đi vào hoạt động đã có hiệu ứng lan tỏa tích cực đến các lĩnh vực khác, thúc đẩy các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội như: giao thông, chợ, trường học, nhà văn hóa, bưu chính viễn thông, ngân hàng, nhà cho thuê…tăng tốc độ đô thị hóa, tạo nên diện mạo mới vùng nông thôn, đời sống và thu nhập một bộ phận dân cư ổn định và phát triển, góp phần giảm khoảng cách giàu nghèo và sự cách biệt giữa thành thị và nông thôn.
Công tác thực hiện các thủ tục hành chính về lĩnh vực đầu tư xây dựng tại Ban quản lý các khu công nghiệp được đơn giản hóa và thống nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức cá nhân đầu tư vào trong các khu công nghiệp. Công tác phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước về quy hoạch, xây dựng với các Chủ đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp từng bước nâng cao, góp phần hạn chế các vi phạm về quy hoạch, xây dựng trong các khu công nghiệp.
Công tác quản lý nhà nước về xây dựng tại các khu công nghiệp được triển khai thực hiện chặt chẽ và hiệu quả hơn; đã từng bước hạn chế được tình trạng vi phạm về trật tự xây dựng tại các khu công nghiệp. Việc kiểm tra, giám sát xây dựng được chú trọng thực hiện thường xuyên và từng bước đi vào nề nếp, bám sát thực tế. Qua việc giám thường xuyên đã phát hiện kịp thời và tham mưu hướng dẫn bằng văn bản đến nhiều doanh nghiệp biết và thực hiện các thủ tục hành chính về lĩnh vực quy hoạch, xây dựng đảm bảo đúng quy trình, quy định.
Vân Hồ - Nguồn Báo cáo số: 216/BC-UBND