Theo đó, Nghị quyết này quy định hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và chế biến sản phẩm đối với hợp tác xã nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.
Đối tượng áp dụng là các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã (gọi chung là hợp tác xã) hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long; Cơ quan, tổ chức cá nhân có liên quan đến hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và chế biến sản phẩm đối với hợp tác xã nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.
Trong đó, Nghị quyết quy định cụ thể nguyên tắc hỗ trợ là mỗi hợp tác xã chỉ được hưởng chính sách hỗ trợ này một lần. Ưu tiên hỗ trợ đầu tư hạ tầng và chế biến sản phẩm phục vụ sản xuất các hợp tác xã nông nghiệp hoạt động theo cụm liên kết ngành, tạo chuỗi giá trị bền vững cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương; hợp tác xã có quy mô thành viên lớn hơn; hợp tác xã hoạt động trên các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
Về điều kiện hỗ trợ có quy định, Hợp tác xã căn cứ nhu cầu cần hỗ trợ đầu tư dự án xây dựng kết cấu hạ tầng hoặc chế biến sản phẩm có đơn đề nghị gửi Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố (Ủy ban nhân dân cấp huyện) nơi hợp tác xã tổ chức sản xuất, kinh doanh; Hợp tác xã nông nghiệp có tổng số thành viên (bao gồm thành viên chính thức và thành viên liên kết) của hợp tác xã đạt từ 15 thành viên trở lên.
Nội dung hỗ trợ thực hiện theo quy định tại gạch đầu dòng thứ 2 điểm b khoản 5 Phần III của Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021 - 2025 ban hành kèm theo Quyết định số 1804/QĐ-TTg ngày 13 tháng 11 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ, như sau: Xây dựng nhà kho, xưởng phân loại và đóng gói sản phẩm, xưởng sơ chế - chế biến và mua sắm trang thiết bị phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm mang lại lợi ích cho cộng đồng thành viên; Xây dựng công trình thủy lợi, giao thông nội đồng trong lĩnh vực trồng trọt (bao gồm: cống, trạm bơm, giếng, đường ống dẫn nước, đập dâng, kênh, bể chứa nước, công trình trên kênh và bờ bao các loại, hệ thống cấp nước đầu mối phục vụ tưới tiết kiệm; đường trục chính giao thông nội đồng); Xây dựng công trình kết cấu hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản bao gồm: hệ thống cấp thoát nước đầu mối (ao, bể chứa, cống, kênh, đường ống cấp, tiêu nước, trạm bơm), đê bao, kè, đường giao thông, công trình xử lý nước thải chung đối với vùng nuôi trồng thủy sản; hệ thống phao tiêu, đèn báo ranh giới khu vực nuôi, hệ thống neo lồng bè; nâng cấp và phát triển lồng bè nuôi trồng thủy sản tập trung của hợp tác xã nông nghiệp.
Nguồn vốn thực hiện chính sách hỗ trợ từ ngân sách nhà nước (ngân sách trung ương, ngân sách địa phương), vốn đối ứng của hợp tác xã và các vốn hợp pháp khác.
Mức hỗ trợ tối đa 03 tỷ đồng trên một hợp tác xã, trong đó: Ngân sách nhà nước hỗ trợ 90% tổng mức đầu tư của dự án. Nguồn vốn của Hợp tác xã và nguồn vốn hợp pháp khác đóng góp 10% tổng mức đầu tư của dự án.
Về phương thức hỗ trợ là Nhà nước hỗ trợ cho hợp tác xã thông qua Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi hợp tác xã đăng ký thành lập xây dựng, mua sắm, bàn giao cho hợp tác xã; trường hợp hợp tác xã có đủ năng lực, Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét giao cho hợp tác xã tự thực hiện dự án, mua sắm với tổng mức vốn dưới 03 tỷ đồng.
Đối với cơ chế quản lý sau đầu tư thì hỗ trợ của Nhà nước là tài sản không chia của hợp tác xã. Hợp tác xã tự trang trải chi phí cho vận hành, bảo dưỡng công trình sau khi công trình được đưa vào hoạt động; khi hợp tác xã giải thể thì phần giá trị tài sản được hình thành từ khoản hỗ trợ của nhà nước được chuyển cho Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi hợp tác xã đã tiến hành đăng ký thành lập quản lý.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các đơn vị có liên quan, UBND các huyện, thị xã và thành phố triển khai thực hiện Nghị quyết theo quy định.
T.M.K- Nguồn Nghị quyết số: 44/2022/NQ-HĐND và Công văn số:7614/UBND-KTNV