Năm 2022, công tác Y tế đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên hầu hết các lĩnh vực. Nổi bật là thành công trong thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ về “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, tỷ lệ số ca chuyển nặng, nhập viện, tử vong ở mức thấp hơn rất nhiều so với năm 2021, so với khu vực và thế giới, góp phần phục hồi kinh tế xã hội. Các dịch bệnh truyền nhiễm khác được kiểm soát tốt, không để xảy ra dịch chồng dịch. Hoạt động khám bênh, chữa bệnh thông thường đang dần phục hồi so với giai đoạn trước đại dịch COVID-19.
Ngành Y tế đã thực hiện đạt và vượt 3/3 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu được Quốc hội giao và 13/16 chỉ tiêu cụ thể về y tế. Theo đó, trong các chỉ tiêu chủ yếu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 theo Nghị quyết số 32/2021/QH15 của Quốc hội, Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, ngành y tế được giao 3 chỉ tiêu chủ yếu. Trong đó, chỉ tiêu số bác sĩ/10.000 dân đạt 9,4 bác sĩ, thực hiện đạt 11,5 bác sĩ, vượt chỉ tiêu được giao; chỉ tiêu số giường bệnh/10.000 dân đạt 29,5 giường bệnh, thực hiện là 31 giường bệnh, vượt chỉ tiêu được giao; tỉ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 92% dân số, thực hiện được 92,03% dân số, đạt chỉ tiêu được giao.
Công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, y học cổ truyền, dân số, an toàn thực phẩm, quản lý môi trường y tế, đào tạo phát triển nhân lực y tế, chuyển đổi số y tế… cũng tiếp tục được chú trọng. Các hoạt động phối hợp liên ngành, hợp tác quốc tế, truyền thông được tăng cường nhằm tạo sự đồng thuận của toàn xã hội, sự hỗ trợ về kỹ thuật, tài chính cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân…
Công tác đào tạo phát triển nhân lực y tế, chuyển đổi số được quan tâm. Bên cạnh đó, ngành Y tế cũng tiếp tục đẩy mạnh rà soát, sửa đổi, bổ sung các thể chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật nhằm tháo gỡ những vướng mắc, bất cập đang tồn tại. Tập trung hoàn thiện các chiến lược, quy hoạch, đề án quan trọng cho phát triển trung hạn, dài hạn của ngành.
Năm 2023, Bộ Y tế đặt mục tiêu phát triển hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả, bền vững, tập trung kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và các dịch bệnh mới phát sinh; tăng cường y tế cơ sở, y tế dự phòng, nâng cao năng lực điều trị ở tất cả các tuyến; tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách; giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu nhân lực, thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế.
Trong đó, phấn đấu thực hiện đạt một số chỉ tiêu như: Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 93,2%, số bác sĩ trên 10.000 dân đạt 12 bác sĩ, số giường bệnh trên 10.000 dân đạt 32 giường bệnh, tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh đạt 73,8 tuổi, tỷ lệ dân số được quản lý sức khỏe đạt trên 80%, tỷ lệ hài lòng của người dân với dịch vụ y tế đạt trên 80%...

Ảnh: Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Vĩnh Long
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực của ngành Y tế trong năm 2022. Thủ tướng Chính phủ đề nghị ngành Y tế phải không ngừng nâng cao nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe của nhân dân và công tác dân số trong tình hình mới nhằm phát triển ngành Y tế một cách tổng thể, toàn diện, hiện đại, tiên tiến, hội nhập.
Triển khai công tác y tế có trọng điểm, trọng tâm; không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ. Đồng thời, tập trung xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý, thể chế một cách kịp thời, đầy đủ về công tác y tế.
Tăng cường phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất các cơ chế đặc thù của ngành. Tiếp tục tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thể chế trong mua sắm, đấu thầu, cơ chế tự chủ, quản trị đơn vị sự nghiệp công trong lĩnh vực y tế. Hoàn thành và triển khai quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, triển khai nhiệm vụ, dự án thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025; thúc đẩy triển khai thực hiện chương trình chuyển đổi số y tế trên phạm vi cả nước.
Đồng thời cũng cần huy động các nguồn lực đầu tư phát toàn diện ngành Y tế cả trong và ngoài công lập; chú trọng xây dựng đội ngũ thầy thuốc vững về chuyên môn, trong sáng về y đức, phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo, nghiên cứu chuyên sâu. Bên cạnh đó, ngành Y tế cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; sắp xếp, tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động làm tốt công tác thông tin, truyền thông để người dân thay đổi nhận thức, thói quen, chủ động tự bảo vệ, nâng cao sức khỏe của bản thân, giảm gánh nặng cho công tác y tế…
N.H