Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, triển khai thực hiện các chương trình MTQG (xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giảm nghèo bền vững) giai đoạn 2021 - 2025, các Bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương đã tích cực xây dựng cơ chế, chính sách để quản lý, hướng dẫn tổ chức thực hiện, ban hành quy định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn chương trình, cơ chế lồng ghép, huy động các nguồn vốn; tập trung, quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát; thông tin, tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Đến nay, cả nước có 6.001/8.211 xã (73,08%) đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 4% so với năm 2021); có 255 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm khoảng 39,6% tổng số đơn vị cấp huyện của cả nước); tỷ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1-1,5%/năm, trong đó, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm.
Đến ngày 31/12/2022, lũy kế vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương đã giải ngân hơn 9 nghìn tỷ đồng, đạt khoảng 37,73% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao; đến ngày 31/01/2023, giải ngân hơn 13,7 nghìn tỷ đồng, đạt khoảng 57,21% kế hoạch và dự kiến đến hết ngày 31/12/2023 giải ngân 100% kế hoạch vốn năm 2022. Lũy kế giải ngân vốn ngân sách nhà nước Trung ương năm 2023 thực hiện 3 chương trình MTQG, đến ngày 31/1/2023, có 14 địa phương đã giải ngân khoảng 312,6 tỷ đồng; ước đến 28/02/2023, có 17 địa phương giải ngân được khoảng 545,2 tỷ đồng...
Tại phiên họp, các đại biểu đã trao đổi về những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức, triển khai thực hiện các Chương trình MTQG và kiến nghị, đề xuất các giải pháp nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu cấp có thẩm quyền đề ra đối với các Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025.

Ảnh: Toàn cảnh phiên họp trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Vĩnh Long
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đề nghị các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương căn cứ nhiệm vụ được giao tập trung nghiên cứu, hoàn thành sớm việc trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định còn chưa rõ để phù hợp với thực tiễn triển khai các Chương trình MTQG tại các địa phương; xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện các Chương trình MTQG một cách cụ thể, tránh xung đột, chồng chéo với các văn bản khác; tập trung chỉ đạo xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm tra, giám sát việc quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình MTQG năm 2023. Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thành viên tích cực phối hợp với các bộ, cơ quan Trung ương triển khai hiệu quả các phong trào, cuộc vận động trong thực hiện xây dựng nông thôn mới, tổ chức lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân với kết quả thực hiện từng chương trình; thực hiện các hoạt động giám sát, phản biện xã hội đối với quá trình triển khai thực hiện các chương trình MTQG ở các cấp. UBND các tỉnh chủ động, quyết liệt hơn nữa trong công tác triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; tăng cường hoạt động chỉ đạo, điều hành của Ban Chỉ đạo các cấp; chủ động thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch năm 2022 chuyển nguồn sang năm 2023 theo quy định. Nghiên cứu, rà soát các dự án thuộc chương trình MTQG để hạn chế tối đa việc đầu tư dàn trải, manh mún…
N.H