Theo kết quả Dự án điều tra thoái hóa đất tỉnh Vĩnh Long lần tiếp theo (2021-2025), toàn tỉnh có 116.646,1 ha đất bị thoái hoá, chiếm 97,29% diện tích điều tra và chiếm 76,45% diện tích tự nhiên. Trong đó, thoái hóa nhẹ 105.407,9 ha, chiếm 90,37% diện tích đất bị thoái hóa; thoái hóa trung bình 8.818,6 ha, chiếm 7,56% diện tích đất bị thoái hóa; thoái hóa nặng 2.419,6 ha, chiếm 2,07% diện tích đất bị thoái hóa.
So sánh diện tích đất bị thoái hóa lần này (năm 2021) với thoái hóa đất lần đầu (năm 2014), đất bị thoái hóa trên địa bàn tỉnh có sự chuyển biến tích cực, diện tích đất bị thoái hóa nặng có xu hướng giảm so với lần đầu. Cụ thể, thoái hóa nhẹ, tăng 60.906,1 ha so với lần đầu; thoái hóa trung bình tăng 5.953,9 ha; thoái hóa nặng giảm 11.615,2 ha.
Kết quả báo cáo đã đề xuất các giải pháp để cải tạo, phục hồi đất bị thoái hoá, giảm thiểu, ngăn ngừa quá trình thoái hóa đất, thực hiện bảo tồn tài nguyên đất theo hướng bền vững với hai nhóm giải pháp là nhóm giải pháp về kỹ thuật và nhóm giải pháp về quản lý.
Nhóm giải pháp về kỹ thuật: Giải pháp về đầu tư; Giải pháp về quản lý, sử dụng đất, quản lý, bảo vệ đất trồng cây hàng năm; quản lý trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất nông nghiệp; quản lý việc khai thác sét trong cải tạo mặt bằng đất nông nghiệp; quản lý trong công tác chỉ đạo sản xuất nông nghiệp; lập quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, cải thiện tình trạng thoái hoá đất; Giải pháp về khoa học và công nghệ: Cải thiện độ phì của đất; cải thiện và sử dụng đất phèn; cải thiện đất bị kết von; cải thiện đất có tầng đế cày, đất bị nén dẽ, đất bị đóng váng trên bề mặt đất; sử dụng hợp lý đất cát giồng bị khô hạn.
Nhóm giải pháp về quản lý: Giải pháp về chính sách; đào tạo nguồn nhân lực cho công tác thoái hóa đất, bảo tồn tài nguyên đất; xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên đất, điều tra, quan trắc theo dõi mức độ thoái hóa đất theo định kỳ; giải pháp về tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng.
Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về tăng cường công tác điều tra, giám sát chất lượng đất tại các khu vực thoái hóa. Phối hợp, chỉ đạo lồng ghép vào công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhằm đảm bảo đất được sử dụng đúng với các điều kiện thổ nhưỡng, góp phần hạn chế thoái hóa đất trên địa bàn tỉnh. Xây dựng đội ngũ chuyên môn về giám sát, đánh giá chất lượng đất cũng như quản lý quy hoạch sử dụng đất. Phối hợp với các sở, ngành và UBND cấp huyện trong công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường, bảo vệ môi trường đất.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm theo dõi và giám sát chặt chẽ việc sử dụng đất tại các khu vực bị thoái hóa đồng thời trong quy hoạch nông nghiệp và chuyển đổi cơ cấu cây trồng cần lưu ý đến các khu vực có cảnh báo thoái hóa đất nhằm bố trí cây trồng, vật nuôi và xác định các giải pháp phù hợp; cần theo dõi và giám sát chặt chẽ việc sử dụng đất tại các khu vực bị thoái hóa. Đây là nền tảng, cơ sở dữ liệu, ngành nông nghiệp cần phối hợp với các ngành nghiên cứu, ứng dụng, khai thác thêm phục vụ sản xuất nông nghiệp ngày càng hiệu quả hơn trong thực tiễn. Xây dựng phương án, biện pháp và tổ chức thực hiện các công trình thủy lợi; đồng thời hướng dẫn, kiểm tra công tác tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp theo quy định.
Đối với Ủy ban nhân dân cấp huyện, cần chỉ đạo ngành nông nghiệp, tài nguyên môi trường và UBND cấp xã theo dõi và giám sát việc sử dụng đất tại các khu vực bị thoái hóa. Phối hợp với các Sở, ngành tỉnh thực hiện các nội dung về điều tra thoái hóa đất, điều tra tiềm năng đất đai, phân hạng và đánh giá ô nhiễm đất. Điều chỉnh cơ cấu sử dụng đất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, đặc biệt là các khu vực đất bị thoái hóa. Tăng cường công tác khuyến nông, trong đó khuyến cáo người dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong canh tác như: bố trí hệ thống tưới chủ động, tăng cường sử dụng phân hữu cơ, vi sinh và hạn chế phân hóa học.
Nguyễn Nguyên- Nguồn Quyết định số: 123/QĐ-UBND