Theo đó, mục đích, yêu cầu của Kế hoạch là thực hiện hiệu quả công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân để phát hiện những quy định trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp để kịp thời đình chỉ việc thi hành, bãi bỏ, thay thế, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản mới, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc áp dụng và thực hiện pháp luật; thực hiện hệ thống hóa văn bản QPPL để tập hợp, sắp xếp và công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật còn hiệu lực đến ngày 31/12/2023; danh mục văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ; danh mục văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực, ngưng hiệu lực một phần; danh mục văn bản quy phạm pháp luật cần đình chỉ thi hành, ngưng hiệu lực, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới. Thông qua việc công bố kết quả hệ thống hóa sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, áp dụng, thi hành pháp luật, tăng cường tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật địa phương.
Đảm bảo không bỏ sót văn bản thuộc trách nhiệm rà soát, tập hợp đầy đủ văn bản để hệ thống hóa; Tuân thủ đúng trình tự, thủ tục thực hiện công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản theo quy định của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP; Các sở, ban, ngành tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố (UBND cấp huyện); Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn (UBND cấp xã) phải nâng cao nhận thức trách nhiệm liên quan đến công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL, phát huy vai trò chủ động, xác định cụ thể nội dung công việc, tiến độ, thời hạn thực hiện và phân công rõ trách nhiệm rà soát, hệ thống hóa văn bản QPP; Thực hiện tốt sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL; kịp thời xử lý kết quả rà soát, công bố Tập hệ thống hóa văn bản còn hiệu lực và các danh mục văn bản thể hiện kết quả hệ thống hóa văn bản kỳ 2019 – 2023 trước ngày 28/02/2024.
Đối với công tác rà soát văn bản Văn bản QPPL của Hội đồng nhân dân (HĐND), Ủy ban nhân dân (UBND) các cấp ban hành từ ngày 31/12/2023 trở về trước có phát sinh căn cứ rà soát, gồm: Trường hợp rà soát theo căn cứ là văn bản ban hành sau thì đối tượng văn bản QPPL cần được rà soát gồm Văn bản đã được sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, bị ngưng hiệu lực, bị đình chỉ việc thi hành nhưng chưa được công bố hết hiệu lực trong các kỳ trước. Văn bản có căn cứ pháp lý đã được sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, bị ngưng hiệu lực, bị đình chỉ việc thi hành. Văn bản có chứa nội dung được dẫn chiếu đến văn bản được sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, bị ngưng hiệu lực, bị đình chỉ việc thi hành. Các văn bản được ban hành trước nhưng có quy định liên quan đến các văn bản ban hành sau.
Trường hợp rà soát theo tình hình phát triển kinh tế - xã hội thì các văn bản QPPL cần được rà soát là các văn bản có nội dung liên quan đến Điều lệ, cương lĩnh, nghị quyết, thông tri, chỉ thị, tài liệu chính thức của Đảng, tài liệu chính thức của cơ quan nhà nước, kết quả điều tra, khảo sát, thông tin kinh tế xã hội, số liệu báo cáo thống kê, ...
Chủ tịch UBND tỉnh giao Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chủ động tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao làm đơn vị chủ trì. Ngoài những nội dung công việc được giao chủ trì, Giám đốc Sở Tư pháp có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan để triển khai thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch.
N.H.N- Nguồn Quyết định số: 102/QĐ-UBND