Các đồng chí Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Nguyễn Tường Văn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng; Đại sứ Liên minh châu Âu tại Việt Nam; Đại sứ nước Cộng hòa Pháp tại Việt Nam chủ trì hội thảo. Tham dự có đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành ở Trung ương, địa phương, các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước…Tham dự tại điểm cầu Vĩnh Long có đại diện Lãnh đạo Sở Xây dựng cùng các đơn vị có liên quan trên địa bàn tỉnh
Đây là hội thảo đầu tiên trong chuỗi hội thảo cấp quốc gia về chủ đề tăng cường khả năng chống chịu và phục hồi của các đô thị Việt Nam trước tác động của biến đổi khí hậu với ba nhóm chủ đề chính là: Quy hoạch và Phát triển đô thị; Xây dựng đô thị có khả năng chống chịu; Công cụ hỗ trợ công tác quy hoạch và quản lý đô thị tích hợp, bền vững và có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cho biết, thực tiễn phát triển đô thị trong giai đoạn vừa qua cho thấy, nếu không được kiểm soát, quy hoạch và quản lý đúng hướng, các đô thị sẽ chịu trách nhiệm rất lớn do những hệ quả từ sự phát triển thiếu bền vững.
Hiện nay, quá trình đô thị hóa tại Việt Nam đang diễn ra nhanh và mạnh, diện mạo đô thị thay đổi từng ngày, cùng với chất lượng cuộc sống và kinh tế đô thị tăng cao. Bên cạnh mặt tích cực trong phát triển đô thị, Việt Nam cũng đang đối mặt với những hệ lụy từ sự phát triển nhanh, thiếu tầm nhìn, chưa đảm bảo phát triển bền vững và tăng trưởng xanh.
Trong bối cảnh đó, Nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững đã định hướng cho công tác quy hoạch phát triển đô thị hướng tới mục tiêu bền vững. Nghị quyết đề ra 5 quan điểm, 6 nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu, khẳng định vai trò, vị thế của đô thị và đô thị hóa trong tiến trình công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước trong giai đoạn mới, đặt nền tảng cho quá trình chuyển đổi và phát triển đô thị Việt Nam toàn diện hơn, hệ thống và thống nhất hơn.
Ngay sau khi Nghị quyết 06-NQ/TW được ban hành, thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, Bộ Xây dựng đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và các địa phương tham mưu, xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 148/NQ-CP ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị. Phát huy vai trò thường trực trong hợp tác quốc tế lĩnh vực phát triển đô thị, Bộ Xây dựng đã tích cực tham gia các hoạt động hợp tác, trao đổi kinh nghiệm với bạn bè quốc tế, trong đó có Pháp và các nước EU. Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn mong muốn các chuyên gia, đại biểu tham dự hội thảo sẽ thiết thực đóng góp nhiều kinh nghiệm quý, nhiều gợi ý hay, nhiều đề xuất hiệu quả cho công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý phát triển bền vững đô thị Việt Nam
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Trưởng ban, Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển khẳng định, đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hóa, phát triển đô thị bền vững là một trong những mục tiêu chiến lược, có tính xuyên suốt của Việt Nam trong những năm qua và trong thời gian tới. Là cơ quan có chức năng tham mưu chiến lược về phát triển kinh tế - xã hội, trong năm 2022, Ban Kinh tế Trung ương đã chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng Đề án trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 về “Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đây là Nghị quyết chuyên đề đầu tiên của Đảng với hệ thống các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, tầm nhìn và các nhiệm vụ và giải pháp lớn để thúc đẩy đô thị hóa và phát triển đô thị Việt Nam.
Nghị quyết 06 đã xác định các quan điểm và nhiệm vụ phải đổi mới tư duy, lý luận và phương pháp quy hoạch đô thị; bảo đảm quy hoạch đô thị phải có tầm nhìn dài hạn, đồng bộ và hiện đại, lấy con người và chất lượng cuộc sống làm trung tâm. Nghị quyết cũng xác định định hướng phát triển hệ thống đô thị bền vững theo mạng lưới, phân bổ hợp lý, phù hợp với từng vùng, miền, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, cân đối giữa các vùng, miền; phát triển các đô thị có chức năng tổng hợp với quy mô và dân số ở mức hợp lý theo hướng đô thị xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai và dịch bệnh; bảo đảm tính kết nối cao giữa các đô thị; tập trung xây dựng và triển khai hiệu quả các đề án, chương trình quốc gia về phát triển đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ảnh: Quang cảnh Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Vĩnh Long
Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế; các nhà nghiên cứu, hoạch định, theo dõi và quản lý quy hoạch, xây dựng phát triển đô thị đã cùng nhau trao đổi, thảo luận, chia sẻ sâu hơn những kinh nghiệm quốc tế về quy hoạch và phát triển đô thị bền vững đối với những vấn đề đặt ra trong quá trình quy hoạch và phát triển đô thị vững và có khả năng chống chịu với thiên tai, biến đổi khí hậu; xu hướng phát triển đô thị bền vững tại các quốc gia phát triển và đang phát triển; cách thức Việt Nam có thể học hỏi và áp dụng các kinh nghiệm quốc tế để phát triển đô thị bền vừng có khả năng chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu; đề xuất việc phát triển đô thị bền vững trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá của Việt Nam trong thời gian tới…
Chuỗi Hội thảo về Quy hoạch và phát triển đô thị bền vững ngoài phiên toàn thể được tổ chức theo hình thức trực tuyến và trực tiếp vào ngày 7/3, còn 3 phiên Hội thảo chuyên đề, sẽ được tổ chức từ tháng 5-7/2023 tại tỉnh Sơn La, Quảng Trị, Hậu Giang.
Hội thảo nhằm nâng cao kiến thức, năng lực quản lý của cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức theo dõi, quản lý lĩnh vực quy hoạch và xây dựng đô thị tại các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 148/NQ-CP ngày 11/11/2022 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW.
N.H