Mục đích là nhằm đẩy mạnh đổi mới hoạt động thư viện, tạo môi trường văn hóa đọc lành mạnh, thân thiện cho thiếu nhi, góp phần định hướng cho thiếu nhi trong tiếp cận, xử lý thông tin có tác dụng tích cực đối với sự phát triển đời sống tinh thần, trí tuệ; bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn cho các em thiếu nhi trên địa bàn, chú trọng thiếu nhi vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; xây dựng xã hội học tập nâng cao dân trí, phát triển bền vững nguồn nhân lực. Tuyên truyền, quán triệt nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội về vị trí, vai trò của văn hóa đọc, đặc biệt là hình thành thói quen đọc, phát triển kỹ năng đọc, tiếp cận và xử lý thông tin cho thiếu nhi.
Tỉnh tập trung thực hiện 6 nội dung, nhiệm vụ và giải pháp gồm:
Tăng cường công tác tuyên truyền triển khai chủ trương, chính sách phát triển văn hóa đọc, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn. Các cấp, các ngành tiếp tục đẩy mạnh triển khai quán triệt thực hiện Luật Thư viện và các văn bản có liên quan đến văn hóa đọc, xây dựng xã hội học tập. Đẩy mạnh tuyên truyền văn hóa đọc trên các phương tiện truyền thông, trên nền tảng công nghệ số, phát huy ưu thế của mạng xã hội; từ đó nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò của văn hóa đọc, nhất là hình thành thói quen đọc, phát triển kỹ năng đọc, tiếp cận và xử lý thông tin cho thiếu nhi.
Đẩy mạnh đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thư viện trên địa bàn. Tổ chức nhiều hoạt động thu hút các em sử dụng thư viện; hướng dẫn và khuyến khích các em đọc sách để từng bước hình thành thói quen và mục đích đọc đúng đắn. Hướng dẫn và định hướng cho các em tiếp cận và lựa chọn tài liệu phù hợp với tâm lý lứa tuổi và trình độ hiểu biết; kết hợp với gia đình định hướng nhu cầu, mục đích đọc đúng đắn. Xây dựng không gian, môi trường văn hóa đọc thân thiện; phát triển nguồn tài nguyên thông tin phù hợp; thành lập câu lạc bộ bạn đọc; tổ chức sinh hoạt định kỳ. Tổ chức đa dạng các hình thức phục vụ như tuyên truyền trực quan; trưng bày, triển lãm theo chủ đề định kỳ hằng tháng, quý, những ngày lễ lớn, những sự kiện chính trị, văn hóa hoặc giới thiệu sách, nói chuyện chuyên đề. Tổ chức xe ô tô thư viện lưu động mang tri thức đến với thiếu nhi, đặc biệt là về vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc sinh sống. Tăng cường phối hợp giữa các ban ngành, đơn vị, cơ quan, đoàn thể tổ chức các hoạt động tuyên truyền gắn liền với sách, tạo nhiều sân chơi bổ ích để thu hút các em thiếu nhi tham gia các hoạt động học tập, vui chơi, sinh hoạt, các sự kiện khuyến đọc và trải nghiệm với sách. Thường xuyên tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ thư viện các kiến thức tâm sinh lý lứa tuổi thiếu nhi; tham gia các lớp tập huấn bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ. Đa dạng hóa chất lượng sản phẩm và dịch vụ thông tin thư viện; xây dựng cơ sở dữ liệu để hướng dẫn thiếu nhi tra cứu sách. Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị cho thư viện; nâng cấp, đổi mới dịch vụ cung cấp thông tin phát triển văn hóa đọc trên địa bàn.
Xây dựng các mô hình khuyến đọc trong cộng đồng. Phấn đấu mỗi xã, phường và thị trấn xây dựng điểm mô hình khuyến đọc, câu lạc bộ đọc sách, tạo không gian đọc thân thiện cho thiếu nhi, nhất là quan tâm đến các em thiếu nhi có hoàn cảnh đặc biệt. Phát triển và nhân rộng mô hình tủ sách gia đình, tủ sách dòng họ, mô hình “Gia đình đọc sách - Gắn kết yêu thương”. Hỗ trợ cho các mô hình tủ sách đảm bảo nguồn tài nguyên thông tin phục vụ.
Tăng cường hoạt động phối hợp, kết nối giữa các loại hình thư viện. Thư viện công cộng cấp tỉnh làm đầu mối hỗ trợ nghiệp vụ, tài nguyên thông tin cho thư viện cấp huyện và cấp xã; phối hợp đưa xe ô tô thư viện lưu động đa phương tiện phục vụ thiếu nhi trên địa bàn, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa và vùng đồng bào dân tộc. Hướng dẫn khai thác tài nguyên số của thư viện, tổ chức luân chuyển sách đến thư viện các trường học trên địa bàn.
Đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất thư viện. Đầu tư, nâng cấp và bổ sung nguồn tài nguyên thông tin cho hệ thống thư viện công cộng cấp tỉnh, huyện, xã, cải tạo môi trường đọc cho thiếu nhi. Thư viện cơ sở giáo dục phải đảm bảo nguồn tài nguyên; khuyến khích có trang thông tin điện tử, có khả năng cung cấp dịch vụ trực tuyến; kết nối hoạt động với hệ thống thư viện công cộng cấp tỉnh và cấp huyện.
Tăng cường hoạt động xã hội hóa. Thư viện công cộng các cấp kết hợp nhân rộng những mô hình tốt, cách làm hay, các sáng kiến ứng dụng đổi mới hoạt động thư viện trong xây dựng, phát triển văn hóa đọc cho thiếu nhi, đặc biệt là gắn với chuyển đổi số trong lĩnh vực thư viện; hàng năm đề nghị biểu dương những tấm gương ham đọc, ham học và có tâm huyết đóng góp cho thiếu nhi. Tạo điều kiện và khuyến khích thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng đầu tư tài nguyên thông tin, trang thiết bị công nghệ phục vụ thiếu nhi. Khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển thư viện và văn hóa đọc phục vụ thiếu nhi, góp phần thúc đẩy thói quen đọc sách, nâng cao kỹ năng đọc và xây dựng xã hội học tập.
H.N.L – Nguồn Quyết định số: 387/QĐ-UBND