Trước tình hình thế giới năm 2022 diễn biến phức tạp, kinh tế suy giảm tăng trưởng, công tác ngoại giao kinh tế của nước ta đã được triển khai quyết liệt, bày bản, hiệu quả, kịp thời, chuyển trọng tâm từ ngoại giao phục vụ phòng, chống dịch bệnh sang phục vụ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.
Trong gần 70 hoạt động đối ngoại của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội năm 2022, các nội dung hợp tác về kinh tế đã được thúc đẩy mạnh mẽ, đạt nhiều kết quả quan trọng, thực chất với hơn 150 văn kiện hợp tác ký kết, góp phần đưa hợp tác kinh tế với các đối tác đi vào chiều sâu, thu hút hiệu quả các nguồn lực bên ngoài phục vụ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp và tổ chức triển khai các hoạt động ngoại giao kinh tế được đổi mới và thực hiện quyết liệt, hiệu quả với nhiều hoạt động, hội nghị quan trọng, đúng thời điểm. Công tác ngoại giao kinh tế cũng bám sát các chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và nhu cầu thực hiện trong nước, kịp thời hỗ trợ các ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm.
Chỉ thị số 15-CT/TW là văn bản quan trọng của Đảng nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác ngoại giao kinh tế một cách toàn diện, thực chất trong giai đoạn phát triển mới của đất nước; trong đó xác định: “Ngoại giao kinh tế là một nhiệm vụ cơ bản, trung tâm của nền ngoại giao Việt Nam, một động lực quan trọng để phát triển đất nước nhanh, bền vững” và đề ra các định hướng, nhiệm vụ ngoại giao kinh tế trọng tâm trong giai đoạn phát triển mới, hết sức quan trọng của đất nước.
Triển khai Chỉ thị số 15-CT/TW, trên cơ sở bám sát chủ trương, đường lối và quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng về đối ngoại, Chương trình hành động của Chính phủ đã xác định phương châm: “Tư duy sáng tạo, hành động quyết liệt, ứng phó linh hoạt, hiệu quả, khai thác và tranh thủ mọi cơ hội cho phát triển đất nước” với 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm: Nâng cao nhận thức, trách nhiệm về công tác ngoại giao kinh tế; mở rộng, làm sâu sắc và tạo thế đan xen lợi ích trong quan hệ kinh tế với các đối tác; nâng cao chất lượng, hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế; vận động, thu hút nguồn lực bên ngoài phục vụ các động lực tăng trưởng; xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm; đẩy mạnh nghiên cứu, tham mưu, nâng cao năng lực phân tích, dự báo phục vụ điều hành kinh tế - xã hội; nâng cao hiệu quả phối hợp liên ngành và bố trí nguồn lực triển khai ngoại giao kinh tế.

Ảnh: Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Vĩnh Long
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương các nỗ lực và kết quả của ngành ngoại giao, các nhà ngoại giao, các cơ quan Trung ương và địa phương, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong triển khai nhiệm vụ đối ngoại và ngoại giao kinh tế thời gian qua. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, công tác ngoại giao kinh tế có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Vì vậy, Thủ tướng lưu ý cần tiếp tục phát huy bản sắc "ngoại giao cây tre" theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, bám sát, quán triệt chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, giữ vững bản lĩnh, nguyên tắc nhưng chủ động, linh hoạt, mềm dẻo. Song song đó cần thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường, khai thác tối đa dư địa xuất khẩu của các ngành, lĩnh vực Việt Nam có lợi thế và thế giới có nhu cầu; tận dụng hiệu quả mạng lưới các hiệp định thương mại tự do (FTA), mở rộng thị trường; khẩn trương nghiên cứu thiết lập các khuôn khổ hợp tác kinh tế-thương mại lâu dài, ổn định với các đối tác tiềm năng; tận dụng tốt cơ hội các thị trường lớn mở cửa trở lại nền kinh tế để thúc đẩy thương mại song phương; tiếp tục thúc đẩy các ngành kinh tế đối ngoại, nhất là du lịch quốc tế, xuất khẩu lao động; tranh thủ mọi cơ hội để thu hút nguồn lực bên ngoài cho chuyển đổi xanh, phát triển bền vững; tiếp tục chú trọng và nâng cao hơn nữa chất lượng công tác nghiên cứu, dự báo, tham mưu chiến lược, nâng cao hiệu quả phối hợp liên ngành trong triển khai ngoai giao kinh tế. Thủ tướng yêu cầu Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục nỗ lực hết sức mình triển khai công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, với phương châm "Quyết liệt, mạnh dạn, đột phá, thực chất, hiệu quả, khai thác và tranh thủ mọi cơ hội cho phát triển đất nước".
Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh triển khai, cụ thể hóa Chỉ thị số 15-CT/TW của Ban Bí thư và Chương trình hành động của Chính phủ. Trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW phải gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, các Chương trình, Nghị quyết có nội dung liên quan đến hoạt động ngoại giao kinh tế; cần bám sát diễn biến của thực tiễn, nhạy bén về chính trị để đưa ra đối sách phù hợp...
N.H