Năm 2022, tình hình thế giới có nhiều biến động, xung đột, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội, tuy nhiên, công tác PCPNN đạt được nhiều kết quả quan trọng, có nhiều cam kết mới với giá trị viện trợ cao; các tổ chức PCPNN tích cực triển khai chương trình, dự án bị gián đoạn trong thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Hiện nay, cả nước có 388 tổ chức PCPNN đăng ký và hoạt động thường xuyên; giá trị viện trợ đạt 223,7 triệu USD, tỷ lệ giải ngân đạt cao, trong đó lĩnh vực giải quyết các vấn đề xã hội là lĩnh vực được viện trợ nhiều nhất. Công tác tiếp nhận, quản lý, sự dụng nguồn viện trợ PCPNN được thực hiện đúng quy định của pháp luật, phù hợp với định hướng ưu tiên của địa phương, bộ, ngành. Các tổ chức PCPNN tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương triển khai hiệu quả chương trình, dự án, qua đó góp phần quan trọng giúp các địa phương có thêm nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân.

Ảnh: Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Vĩnh Long
Năm 2023, dự báo tình hình chính trị, an ninh, kinh tế toàn cầu tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến công tác PCPNN. Theo đó, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 là tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về công tác PCPNN; đa dạng hóa hình thức, phương pháp vận động; tổ chức thực hiện tốt chương trình quốc gia về tăng cường hợp tác và xúc tiến vận động viện trợ PCPNN.
Tại hội nghị, các Bộ, ngành, địa phương đã chia sẻ thông tin về tình hình hoạt động, công tác viện trợ, công tác đảm bảo an ninh chính trị, công tác vận động viện trợ PCPNN, công tác phối hợp hỗ trợ hoạt động của các cấp, ngành, địa phương, các tổ chức trong năm 2022. Đồng thời, đưa ra các nhóm giải pháp, kiến nghị nhằm tăng tính chủ động của địa phương, nâng cao hiệu quả công tác PCPNN, phát huy hiệu quả nguồn viện trợ phi chính phủ trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói riêng, cả nước nói chung.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Công tác về các tổ chức PCPNN Hà Kim Ngọc đánh giá cao nỗ lực của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác PCPNN năm 2022. Đồng thời, xác định năm 2023 là năm tạo bước đột phá cải cách hành chính trong công tác PCPNN. Qua đó, đề nghị các ban, Bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác PCPNN; tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả Nghị định số 58/2022/NĐ-CP ngày 31/8/2022 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hoạt động của các tổ chức PCPNN tại Việt Nam; tham mưu nghiên cứu, xây dựng các chính sách, các chương trình đúng với trọng tâm và cụ thể hóa một số văn bản pháp quy liên quan đến công tác PCPNN, tháo gỡ khó khăn cho các cơ quan trong nước thực hiện các dự án PCPNN; chủ động công tác cập nhật, chia sẻ thông tin và cập nhật cơ sở dữ liệu về các tổ chức PCPNN để địa phương có thể theo dõi, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Ủy ban; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến thẩm định, phê duyệt các khoản viện trợ PCPNN; chủ động phát huy vai trò trong việc kết nối, theo dõi tình hình, phối hợp chia sẻ thông tin giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; đa dạng hóa hình thức trao đổi, hợp tác với các tổ chức PCPNN; đẩy mạnh công tác hậu kiểm, kiểm tra, công tác tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác PCPNN…
N.H