Thực hiện Quyết định số 666/QĐ-TTg ngày 02 tháng 6 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021-2025, trên cơ sở những kết quả đã đạt được, những bài học kinh nghiệm rút ra trong quá trình triển khai phong trào giai đoạn 2016 - 2020, Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Phong trào thi đua “Ngành Tư pháp chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2023-2025 với mục đích quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm chủ trương, chính sách của Đảng, các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước về công tác giảm nghèo bền vững tại Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030; Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025” và các nhiệm vụ được xác định tại Kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021-2025 ban hành kèm theo Quyết định số 666/QĐ-TTg ngày 02 tháng 6 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ, qua đó phát huy tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm, tinh thần tương thân, tương ái của mỗi cá nhân, tập thể ngành Tư pháp trong việc triển khai thực hiện phong trào, tạo khí thế thi đua sôi nổi, góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương, chính sách, chương trình giảm nghèo của Đảng và Nhà nước; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động, ý thức, trách nhiệm của cấp ủy, thủ trưởng các đơn vị và công chức, viên chức, người lao động ngành Tư pháp trong việc tham gia thực hiện công tác giảm nghèo bền vững, thúc đẩy tiến bộ, công bằng xã hội đi đôi với phát triển kinh tế.
Việc thực hiện phong trào thi đua phải trở thành một trong các nhiệm vụ trọng tâm trong các phong trào thi đua của các đơn vị trong toàn Ngành Tư pháp giai đoạn 2020 - 2025. Phong trào thi đua được thực hiện thường xuyên, liên tục, sâu rộng và thực chất ở các đơn vị, địa phương và trong toàn ngành tư pháp với nội dung thiết thực, hiệu quả phù hợp với điều kiện thực tế của ngành, đơn vị, địa phương, gắn kết với thực hiện phong trào thi đua “Ngành Tư pháp chung sức, góp phần xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2023-2025. Kịp thời phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng các điển hình tiên tiến và những sáng kiến, kinh nghiệm, mô hình, cách làm hay, hiệu quả, sáng tạo trong thực hiện chính sách, chương trình giảm nghèo. Biểu dương, tôn vinh, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu, có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào thi đua.
Phong trào thi đua “Ngành Tư pháp chung tay vì người nghèo – Không ai bị bỏ lại phía sau” được triển khai thực hiện từ năm 2023 đến năm 2025.
Theo Kế hoạch thì Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, Giám đốc Sở Tư pháp, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm căn cứ nội dung kế hoạch thực hiện phong trào thi đua này và chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, chương trình, kế hoạch công tác hàng năm của các cơ quan đơn vị cũng như tình hình, điều kiện cụ thể để xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Ngành Tư pháp chung tay vì người nghèo – Không ai bị bỏ lại phía sau"giai đoạn 2023 - 2025; trong đó, xác định cụ thể những nhiệm vụ, chỉ tiêu, biện pháp thực hiện phù hợp với yêu cầu, điều kiện thực tế, gắn với thực hiện các nhiệm vụ, tiêu chí chung tay vì người nghèo ở mỗi cơ quan đơn vị, gửi về Bộ Tư pháp (Vụ Thi đua – Khen thưởng) để theo dõi, hướng dẫn thực hiện. Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị trực thuộc, các Phòng Tư pháp, Chi cục Thi hành án dân sự xác định các chỉ tiêu, nhiệm vụ và những biện pháp tổ chức thực hiện phong trào thi đua này phù hợp với yêu cầu, điều kiện thực tế…
N.V.T- Nguồn Quyết định số: 303/QĐ-BTP