Hàng năm, tháng 5 được chọn là Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động và Tháng Công nhân, với nhiều hoạt động tập trung, thiết thực, nhằm nâng cao nhận thức về pháp luật an toàn, vệ sinh lao động, kiến thức phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người sử dụng lao động và người lao động; góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh chủ động thực hiện tốt các quy định pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện làm việc, đảm bảo an toàn trong lao động, sản xuất, cũng như chăm lo tốt hơn cho đời sống vật chất, tinh thần của người lao động.
Tại Vĩnh Long, hoạt động Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động và Tháng Công nhân trong thời gian qua đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của tổ chức công đoàn các cấp, các doanh nghiệp, người sử dụng lao động, đoàn viên, công nhân và người lao động, đã tạo ra sức lan tỏa trong cộng đồng và xã hội. Các cấp công đoàn và doanh nghiệp thường xuyên quan tâm chăm lo, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, tổ chức nhiều phong trào thi đua, nhiều hoạt động phong phú, thiết thực, hỗ trợ cả về đời sống vật chất lẫn tinh thần cho người lao động. Qua đó giúp công nhân lao động nâng cao tinh thần trách nhiệm, hăng say lao động để ổn định cuộc sống và góp phần phát triển doanh nghiệp.
Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2023 được phát động với chủ đề “Tăng cường xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn và cải thiện điều kiện lao động, giảm căng thẳng tại nơi làm việc”, và chủ đề của Tháng Công nhân năm 2023 là “Kết nối công nhân, xây dựng tổ chức”.

Ảnh: Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh – Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại lễ phát động
Phát biểu tại lễ phát động, bà Nguyễn Thị Quyên Thanh – Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận và biểu dương những nỗ lực của các sở, ban, ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương trong công tác đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động và chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động. Bà cũng biểu dương các doanh nghiệp, các đơn vị sản xuất kinh doanh trong thời gian qua đã tuân thủ những quy định pháp luật về đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động cũng như quan tâm, chăm lo cho người lao động về nhiều mặt.
Để Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2023 thật sự hiệu quả. Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp và toàn thể công nhân, viên chức, người lao động cần xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể về an toàn, vệ sinh lao động phù hợp với từng cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp; tăng cường thực hiện đánh giá, quản lý các nguy cơ rủi ro về an toàn vệ sinh lao động tại nơi làm việc; thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho người lao động, các giải pháp cải thiện điều kiện lao động, phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần, giảm căng thẳng tại nơi làm việc cho người lao động; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.
Bà cũng đề nghị Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức chuỗi hoạt động trong Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2023 đảm bảo thiết thực, sát với nhu cầu thực tế của công nhân, người lao động. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục sâu rộng về bản chất, truyền thống của giai cấp công nhân, của tổ chức Công đoàn Việt Nam, những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước gắn với thực tiễn đời sống, điều kiện làm việc của người lao động; đại diện cho người lao động trong việc đấu tranh đảm bảo quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động, đặc biệt là các vấn đề bức xúc của công nhân như: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tổ chức thương lượng ký kết thỏa ước lao động tập thể, việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với người lao động,…; đẩy mạnh các hoạt động xã hội, từ thiện, văn hóa, thể dục - thể thao, tạo môi trường làm việc thuận lợi, giảm căng thẳng cho người lao động.
Đồng thời, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh cần tiếp tục quan tâm nhiều hơn nữa đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động; thường xuyên tổ chức tự kiểm tra, đánh giá công tác an toàn vệ sinh lao động, chủ động phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; xây dựng môi trường làm việc an toàn, vệ sinh, giảm thiểu căng thẳng cho người lao động; dành nhiều nguồn lực chăm lo tốt cho người lao động về nhiều mặt để người lao động yên tâm sản xuất, tích cực góp phần vào sự phát triển của đơn vị; quan tâm thăm hỏi, động viên và hỗ trợ kịp thời cho người lao động.

Ảnh: Liên đoàn Lao động tỉnh đã trao hỗ trợ 10 căn nhà “Mái ấm Công đoàn” cho công nhân.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh kêu gọi toàn thể công nhân, viên chức, người lao động và toàn thể người dân – kể cả người lao động trong khu vực không có quan hệ lao động – cần quan tâm, nâng cao vai trò, trách nhiệm của mình đối với việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, không để xảy ra tai nạn lao động, hạn chế nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp; luôn nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật, thích ứng nhanh với môi trường làm việc, có tác phong công nghiệp và kỷ luật lao động cao, nhằm đáp ứng yêu cầu đặt ra trong tình hình mới.

Ảnh: Tại lễ phát động, 200 phần quà (500.000 đ/phần) được trao cho công nhân lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Tại lễ phát động, Liên đoàn Lao động tỉnh Vĩnh Long đã trao tượng trưng xây dựng 10 căn nhà mái ấm Công đoàn, mỗi căn trị giá 50 triệu đồng và tặng 200 phần quà cho công nhân lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, có hoàn cảnh khó khăn, mỗi phần trị giá 500.000 đồng.
N.H