Tại buổi làm việc, Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Long cho biết, trong quý I và 4 tháng đầu năm 2023, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo; công tác quản lý giá được thực hiện tốt; thu ngân sách vượt tiến độ dự toán được giao và tăng khá so với cùng kỳ. Thương mại, dịch vụ tăng khá; các hoạt động bán buôn, bán lẻ tiếp tục phục hồi nhanh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I/2023 đạt 16.139 tỷ đồng và tăng 13,74% so với cùng kỳ năm 2022; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng đầu năm đạt 21.273 tỷ đồng, tăng 13,59% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng số vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thực hiện trong quý I/2023 đạt 3.839,3 tỷ đồng, tăng 2,07% so với cùng kỳ năm 2022.
Tỉnh thực hiện và giải ngân hơn 600 tỷ đồng, đạt 12,15% kế hoạch năm. Tỉnh Vĩnh Long cũng đang tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai một số dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn cùng các dự án thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Ảnh: Toàn cảnh buổi làm việc
Mặc dù vậy, tình hình kinh tế của tỉnh trong các tháng đầu năm 2023 vẫn còn khó khăn như do ảnh hưởng chung bởi tình hình suy giảm kinh tế và lạm phát của nhiều nước trên thế giới nên các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, xuất khẩu trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn, đơn hàng bị cắt giảm, xuất khẩu giảm mạnh so cùng kỳ năm 2022; nợ xấu có chiều hướng tăng cao, nhất là đối với các khách hàng bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, khách hàng thuộc lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản; việc thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn còn chậm so với yêu cầu; tình hình tiêu thụ hàng hóa các lĩnh vực của doanh nghiệp giảm; thị trường bất động sản khó khăn…

Ảnh: Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh Vĩnh Long
Phát biểu tại buổi họp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng lưu ý, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2023 là 8%, trong các quý còn lại của năm 2023, tỉnh Vĩnh Long cần tiếp tục tập trung thực hiện tốt các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chủ động giải pháp để khắc phục khó khăn phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, qua đó khơi thông nguồn lực, tập trung vào ba động lực tăng trưởng là đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng đề nghị tỉnh Vĩnh Long cần tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Chính phủ, phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh đặc thù, riêng biệt của tỉnh để phát triển nhanh, bền vững, bao trùm và toàn diện theo hướng tập trung phát triển công nghiệp tạo động lực và nhu cầu phát triển dịch vụ, đô thị và kinh tế nông nghiệp, trong đó tập trung phát triển: trục động lực; hành lang kinh tế, đột phá chiến lược; trụ cột tăng trưởng; nhiệm vụ trọng tâm để khai thông, khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế cho sự phát triển chung của vùng và cả nước; phát triển tỉnh Vĩnh Long trở thành Cực tăng trưởng - Trung tâm kết nối trên Hành lang kinh tế Bắc – Nam.
Tỉnh cũng cần tiếp tục khẩn trương hoàn thiện Quy hoạch tỉnh Vĩnh Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm nhằm góp phần hoàn thiện hệ thống quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.
Bên cạnh đó cần thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư từ mọi thành phần kinh tế cho phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội; nhất là hạ tầng giao thông, du lịch, đô thị và hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh hợp tác công tư, huy động mọi nguồn lực của xã hội để phát triển; chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; tăng cường thu hút đầu tư; thực hiện đồng bộ các giải pháp tạo môi trường, điều kiện thuận lợi hỗ trợ đầu tư và sản xuất kinh doanh; tăng cường thu hút đầu tư, phát triển các thành phần kinh tế. Thực hiện đồng bộ các giải pháp tạo môi trường, điều kiện thuận lợi hỗ trợ đầu tư và sản xuất kinh doanh.
Song song đó cần triển khai hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; đẩy nhanh tiến độ giải ngân các chính sách tín dụng ưu đãi, chính sách hỗ trợ lãi suất kịp thời, công khai, minh bạch, đúng đối tượng. Đẩy mạnh chuyển đổi số. Đồng thời cần tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững; chiến lược trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp. Chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, từng bước chuyển tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, phát triển thị trường nông sản trong và ngoài nước. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng tỉ trọng các ngành chế biến. Xây dựng các cụm công nghiệp; tiếp tục phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu, từng bước tạo ra nhiều sản phẩm có thương hiệu, sức cạnh tranh trên thị trường và tham gia trong chuỗi giá trị. Phát triển văn hoá một cách bài bản, bền vững gắn với phát triển du lịch. Tỉnh cũng cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có văn hóa, kỷ luật lao động, phục vụ nhu cầu phát triển công nghiệp công nghệ cao, tận dụng cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số, phát triển đội ngũ cán bộ công chức đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu công việc trong tình hình mới, xây dựng chính quyền kiến tạo, hiệu lực, hiệu quả...

Ảnh: Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời phát biểu tại buổi làm việc
Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời cho biết Vĩnh Long sẽ triển khai thực hiện tốt hơn những nhiệm vụ của địa phương trong thời gian tới trong đó sẽ tập trung phát triển các hoạt động thương mại, dịch vụ, mở rộng các kênh phân phối hàng hóa. Nâng cao hiệu quả công tác hướng dẫn, hỗ trợ và tư vấn cho doanh nghiệp tiếp cận các cơ chế, chính sách mới; mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Hỗ trợ nhanh, hiệu quả trong tháo gỡ khó khăn cho các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Thu hút mời gọi đầu tư trong và ngoài nước để tận dụng tốt các cơ hội phát triển.
Đồng thời triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ về thuế, khoản vay đối với doanh nghiệp theo các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ. Thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023. Theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, thiên tai, dịch bệnh, sạt lở bờ sông để chủ động chỉ đạo phòng tránh, điều hành sản xuất nông nghiệp, bảo đảm kịp thời, hiệu quả.
N.H