Báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính (APCI) 2022 là báo cáo thường niên thứ năm của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của Thủ tướng Chính phủ trong khuôn khổ của Đề án xây dựng và công bố Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ TTHC của Hội đồng tư vấn cải cách TTHC (Đề án 383) và theo Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ ngày 10 tháng 01 năm 2022 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022.
Báo cáo APCI 2022 ghi nhận ý kiến trải nghiệm của các doanh nghiệp về quá trình giải quyết TTHC bởi các Cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương trong năm 2022. Khác với những chỉ số đánh giá hoạt động cải cách khác, APCI được thiết kế với kỳ vọng đo lường gánh nặng chi phí thực tế về tuân thủ TTHC và tính sáng tạo, tính chủ động và trách nhiệm giải trình của các cơ quan trong bộ máy hành chính từ trung ương đến địa phương.
Với phương pháp đánh giá dựa trên mô hình chi phí chuẩn (Standard Cost Model - SCM) và được xây dựng dựa trên kết quả phân tích các phiếu khảo sát doanh nghiệp của 63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, APCI cho thấy một bức tranh chân thực và sinh động về chi phí thực tế mà doanh nghiệp phải chi trả để thực hiện TTHC theo quy định của pháp luật hiện hành. Thông qua các số liệu và thông tin thực tế, APCI phản ánh khách quan mức độ cải cách, cải thiện các TTHC, quy định của pháp luật về môi trường kinh doanh cũng như quá trình thực thi pháp luật, chính sách của các Bộ, ngành, địa phương.
Để thực hiện thành công mục tiêu được đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ năm 2023 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo tinh thần “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả”, Báo cáo APCI 2022 có một số khuyến nghị đối với công tác cải cách TTHC nói riêng, cải cách hành chính và hoàn thiện thể chế nói chung như sau:
Nâng cao chất lượng xây dựng quy phạm pháp luật, đặc biệt là chất lượng quy định về điều kiện kinh doanh, TTHC để giảm Chi phí tuân thủ (CPTT).
Một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp được khảo sát trong APCI tốn nhiều thời gian trong việc tìm hiểu thông tin về TTHC, phải sửa đổi, bổ sung hồ sơ nhiều lần, và phát sinh nhu cầu sử dụng các dịch vụ trung gian để thực hiện TTHC là “sự phức tạp, khó hiểu, và thay đổi nhanh” của các quy định pháp luật. Đối với doanh nghiệp, một quy định pháp luật tốt cần được viết bằng ngôn ngữ pháp lý rõ ràng, ngắn gọn, dễ hiểu và dễ diễn giải. Để đạt được điều này, Chính phủ và các Bộ, ngành nên tăng cường hợp tác với các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, và các chuyên gia pháp lý để xác định các lĩnh vực cần cải thiện trong khung pháp lý hiện hành, phát triển các giải pháp nhằm giải quyết những thách thức đặc thù mà doanh nghiệp ở các lĩnh vực khác nhau phải đối mặt, và xây dựng các văn bản hướng dẫn rõ ràng, ngắn gọn về điều kiện kinh doanh và TTHC. Nội dung này bao gồm rà soát, sửa đổi các quy định liên quan đến điều kiện kinh doanh và TTHC, cũng như đơn giản hóa, hợp lý hóa các TTHC hiện hành đã được xác định trong Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 – 2025 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP năm 2020 của Chính phủ. Khi chất lượng xây dựng quy pháp luật được nâng lên thì sẽ góp phần giảm tình trạng quan liêu và cung cấp một khung pháp lý minh bạch và dễ tiếp cận. Đồng thời, các doanh nghiệp có thể nhanh chóng thực hiện tốt các TTHC và nghiêm chỉnh chấp hành các quy định pháp luật.
Bên cạnh đó cần đẩy mạnh công tác quản lý và điều hành nhà nước dựa trên dữ liệu, xây dựng và hoàn thiện các cơ sở dữ liệu quốc gia có chất lượng cao, và khung pháp lý về quản trị dựa trên dữ liệu.
Mô hình quản trị dựa trên dữ liệu đã được công nhận là một thông lệ tốt ở nhiều quốc gia và chính quyền địa phương, được chứng minh về mức độ hiệu quả trong việc hỗ trợ quá trình ra quyết định ở các cơ quan quản lý, cung cấp các dịch vụ hành chính công, và thúc đẩy tính minh bạch và trách nhiệm giải trình. Theo nghiên cứu của OECD, những điểm chung trong các mô hình quản trị dựa trên dữ liệu hay chính phủ số ở các quốc gia thành công như Estonia, Na-uy, Mỹ, Hàn Quốc, Singapore là: có hệ thống cơ sở dữ liệu chất lượng cao, có cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin mạnh mẽ để lưu trữ, truy cập và chia sẻ, có các ứng dụng/chương trình khai thác dữ liệu hiệu quả, iv) văn hóa ra quyết định dựa trên dữ liệu (liên quan đến việc thúc đẩy việc sử dụng dữ liệu trong tất cả các khía cạnh của quản lý điều hành nhà nước, từ phát triển chính sách đến thực thi và đánh giá chính sách), và v) giá trị pháp lý về tính chính xác của dữ liệu và các quyết định được đưa ra dựa trên dữ liệu.
Trong những kỳ khảo sát APCI gần đây, ngày càng nhiều doanh nghiệp đã thể hiện sự ủng hộ đối với chủ trương của Đảng và Nhà nước về Chính phủ điện tử, phát triển kinh tế số, xã hội số. Nhiều doanh nghiệp đồng ý rằng Chính phủ, và các Bộ, ngành cần đầu tư mạnh mẽ để hoàn thiện các hệ thống mang tính chất nền tảng như Hệ thống thông tin đất đai trực tuyến, Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch, Hệ thống thông tin đầu tư trực tuyến, Cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư... Những cơ sở dữ liệu này cần phải có định dạng thân thiện với người dùng, dữ liệu phải chính xác, đầy đủ và kịp thời. Trong đó, đầu tư phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao, có khả năng phân tích, quản lý dữ liệu, diễn giải và trực quan hóa dữ liệu cũng rất cần thiết để các hệ thống hoạt động hiệu quả và hiệu suất.
Ngoài ra, việc thiết lập các quy tắc và quy trình thu thập, lưu trữ và sử dụng dữ liệu có thể giúp hợp lý hóa và tiến tới luật hoá việc sử dụng dữ liệu của các bên liên quan trong các quyết định hành chính và quản trị, thúc đẩy sự hợp tác và quan hệ đối tác giữa các cơ quan chính phủ và khu vực tư nhân trong việc chia sẻ dữ liệu, và quay trở lại tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng dữ liệu cho quá trình ra quyết định.
Song song đó cần đẩy mạnh công tác chia sẻ dữ liệu dùng chung của các cơ quan nhà nước, hợp tác và liên thông quy trình giải quyết TTHC giữa các cơ quan nhà nước trong một địa phương hoặc nhiều địa phương hoặc giữa cơ quan nhà nước ở địa phương và trung ương sẽ giúp giảm CPTT của nhiều nhóm TTHC, tạo thuận lợi cho giải quyết TTHC.
Kết quả khảo sát APCI 2022 đã ghi nhận một cách rõ ràng nhiều ví dụ thực tế về những thuận lợi và khó khăn của doanh nghiệp trong thực hiện TTHC liên quan đến việc chia sẻ dữ liệu và hợp tác của các cơ quan quản lý nhà nước. Những ví dụ tốt được ghi nhận trong APCI về chia sẻ dữ liệu dùng chung giúp giảm gánh nặng về chi phí tuân thủ TTHC là Hệ thống dữ liệu thuế hỗ trợ việc kê khai và tính thuế, Hệ thống thông quan tự động và cơ sở dữ liệu thông tin nghiệp vụ (VNACCS/VCIS) hỗ trợ các thủ tục Giao dịch thương mại qua biên giới, Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư hỗ trợ quá trình đăng ký doanh nghiệp... - đây đều là những hệ thống được chia sẻ dùng chung giữa các cơ quan quản lý từ trung ương đến địa phương. Ngược lại, những chậm trễ trong chia sẻ dữ liệu, hay thiếu vắng sự hợp tác trong giải quyết TTHC giữa các cơ quan quản lý nhà nước đã vô tình biến doanh nghiệp thành cầu nối giữa các cơ quan quản lý nhà nước, làm phát sinh các TTHC “con”/“phụ”, giảm hiệu quả của công tác cải cách hành chính, thực thi pháp luật, và rất có thể gây ra sự thiếu minh bạch, trách nhiệm giải trình trong các quyết định của các sở ban ngành, dẫn đến rủi ro pháp lý, thiệt hại về chi phí và thời gian cho nhà đầu tư.
Doanh nghiệp trong APCI đã bày tỏ sự đồng tình và kỳ vọng về các đề án, chương trình của Chính phủ, và các Bộ, ngành liên quan đến việc xây dựng các cơ chế hợp tác về chia sẻ dữ liệu, liên thông trong việc thực hiện các TTHC, ứng dụng cơ sở dữ liệu để cải thiện chất lượng dịch vụ hành chính của các cơ quan nhà nước như Đề án 06, Kế hoạch 1085, Phương án phân cấp giải quyết TTHC của các Bộ, ngành (theo Quyết định số 1015/QĐ-TTg năm 2022), Mô hình hệ thống hải quan thông minh với mục tiêu 100% tự động và số hóa toàn diện từ khâu đầu đến khâu cuối... Doanh nghiệp cũng đề xuất với Chính phủ, và các Bộ, ngành đẩy mạnh việc chia sẻ dữ liệu quốc gia về môi trường giữa các cơ quan quản lý môi trường, doanh nghiệp, cộng đồng địa phương và các bên liên quan khác; chia sẻ dữ liệu quốc gia về quy hoạch và xây dựng các nền tảng dùng chung giữa các cơ quan thực hiện TTHC về đầu tư, đất đai và xây dựng.
Để việc chia sẻ và ứng dụng dữ liệu giữa các cơ quan chính phủ được diễn ra suôn sẻ và hiệu quả, điều quan trọng là cần phải có một cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin đủ mạnh (bao gồm dung lượng đường truyền, năng lực xử lý dữ liệu của máy chủ…). Do vậy, ngay từ những bước đầu thiết lập hệ thống, Chính phủ, và các Bộ, ngành cần quan tâm đến việc chuẩn hóa các định dạng dữ liệu, phát triển các giao thức chia sẻ dữ liệu và triển khai các hệ thống truy cập và lưu trữ dữ liệu an toàn.
Đồng thời đẩy mạnh áp dụng thực hiện và giải quyết TTHC trực tuyến, gia tăng các TTHC được thực hiện thông qua Cổng Dịch vụ công quốc gia và cổng dịch vụ công tuyến của các bộ, ngành, địa phương để giảm CPTT, trong đó có chi phí không chính thức.
Khảo sát APCI 2022 tiếp tục nhấn mạnh tính ưu việt của công nghệ thông tin trong việc thực hiện TTHC, hợp lý hóa các quy trình hành chính và giảm giấy tờ. Trong APCI 2022, nhiều nhóm TTHC được tăng điểm APCI, không còn chi phí không chính thức hoặc ở tỷ lệ không đáng kể khi áp dụng việc giải quyết TTHC trực tuyến toàn trình, bao gồm cho phép tự động hóa quy trình tra cứu, sử dụng chữ ký điện tử, hệ thống nộp hồ sơ và nhận kết quả trực tuyến, và các công cụ kỹ thuật số khác để giảm thiểu việc tiếp xúc trực tiếp giữa doanh nghiệp/người thực hiện TTHC và cán bộ hành chính, giảm thiểu các yêu cầu về hồ sơ và các tài liệu kèm theo. Đây là "điều kiện cần” trong việc xây dựng chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số và tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng.
Để có thể thực hiện và giải quyết TTHC trực tuyến, từ đó giúp giảm CPTT một cách đột phá, thực chất và hiệu quả, bên cạnh các điều kiện về hệ thống và hạ tầng thông tin, chia sẻ thông tin, các cơ quan quản lý nhà nước cần phải tái cấu trúc và chuẩn hoá các quy trình giải quyết công việc nội bộ, giải quyết TTHC trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy việc sử dụng dữ liệu trong tất cả các khía cạnh của quản trị hành chính, thúc đẩy sự hợp tác giữa các cơ quan chính phủ. Điều này cần được thực hiện với tất cả các TTHC đã ban hành và chuẩn bị ban hành trong các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Như vậy, việc thực hiện thành công Kế hoạch 1085 về rà soát, đơn giản hoá thủ tục hành chính nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước giai đoạn 2022-2025, và Nghị quyết số 68/NQ-CP về cắt giảm, đơn giản hoá quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025 đặc biệt quan trọng để giảm gánh nặng về CPTT, thu hút đầu tư, phục hồi và cải thiện nền kinh tế.
Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển kinh tế của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần gắn với công tác cải cách TTHC, xây dựng các phương án giảm CPTT để phát huy hiệu quả về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư; và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước để tạo động lực tăng trưởng kinh tế vùng.
Trong bối cảnh dịch chuyển đầu tư trên toàn cầu và Châu Âu do ảnh hưởng của dịch COVID-19, điều kiện đầu tư theo các cam kết về chống biến đổi khí hậu, Việt Nam kỳ vọng là một điểm đến cho dòng vốn dịch chuyển. Tuy nhiên, trước khi dòng vốn đầu tư trong nước hay nước ngoài vào các địa phương, các nhà đầu tư thường sẽ tìm hiểu về các ưu đãi về thuế, lợi thế về thị trường và khả năng tiếp cận đất đai và môi trường kinh doanh (trong đó có TTHC, CPTT) tại các địa phương. Theo quy định của Luật Đầu tư và các luật chuyên ngành, các địa phương muốn thu hút dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước thì không được cấp các ưu đãi đầu tư cao hơn quy định của pháp luật mà chỉ có thể thu hút bằng nguồn lực của địa phương (như đất đai, lao động) và môi trường kinh doanh (như TTHC đơn giản, CPTT thấp). Với khả năng thực thi Thuế tối thiểu toàn cầu của 140 quốc gia vào giữa năm 2024, rõ ràng chính sách thu hút đầu tư nước ngoài cần tập trung cải thiện những yếu tố thu hút đầu tư ngoài cung cấp ưu đãi thuế như cải cách TTHC, giảm CPTT - là những điều kiện cần thiết để thu hút dòng vốn đầu tư trong giai đoạn hiện nay.
APCI 2022 có phản ảnh phần nào bức tranh thực tiễn về đầu tư tại Việt Nam. Thời gian để tiếp cận đất đai ở các tỉnh thuộc KTTĐ phía Nam là ngắn nhất trong cả nước, tiếp đến là KTTĐ miền Trung. Tương tự như vậy, thời gian thực hiện các nhóm TTHC Giấy phép, chứng chỉ hành nghề, điều kiện kinh doanh, TTHC Đầu tư, TTHC Khởi sự doanh nghiệp, TTHC Xây dựng của các tỉnh KTTĐ phía Nam đều ở mức tốt nhất hoặc thứ hai. Những kết quả này phần nào tương đồng với bức tranh về thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài cho phát triển công nghiệp lớn nhất cả nước ở các tỉnh thuộc KTTĐ phía Nam hiện nay. Đẩy mạnh cải cách TTHC, giảm CPTT ở mỗi địa phương sẽ là cuộc đua với phần thưởng về thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài mà không phải là cuộc đua về cấp ưu đãi đầu tư.
Kết quả phân tích CPTT theo vùng KTĐT cũng gợi ý về tiềm năng hợp tác, liên thông thực hiện TTHC giữa các địa phương trong vùng kinh tế, vùng chiến lược hay vùng Thủ đô để có thể thúc đẩy việc phát triển kinh tế thông qua tận dụng các thế mạnh của mỗi địa phương trong vùng, đồng thời giảm CPTT cho người dân và doanh nghiệp. Trong tương lai, các hoạt động đầu tư quy mô lớn hoặc có tính liên tỉnh trong một vùng (như hoạt động truyền tải điện, khu công nghiệp quy mô lớn, đường giao thông và vận tải liên tỉnh …) sẽ cần có sự hợp tác cấp phép giữa các tỉnh trong vùng. Các địa phương có thể liên kết để cấp phép cho một hoặc một chuỗi các dự án thay vì phải thực hiện các TTHC để xin phép ở cấp trung ương. Để các địa phương có thể thực hiện được những nội dung này này, các cơ chế phân cấp, phân quyền giữa trung ương với địa phương, và tái cấu trúc các quy trình giải quyết công việc nội bộ, giải quyết TTHC như ở các khuyến nghị trên là vô cùng cần thiết.
Đổi mới công tác tuyên truyền và phổ biến các quy định pháp luật, công tác giải quyết các kiến nghị, ý kiến phản ánh về những vướng mắc đối với TTHC, điều kiện kinh doanh và tiếp tục nâng cao trình độ, chất lượng phục vụ của cán bộ giải quyết TTHC.
Một trong các đề xuất, kiến nghị từ doanh nghiệp luôn được nhắc lại qua các kỳ khảo sát của APCI đó là cần thiết phải nâng cao tính sẵn có, cập nhật của thông tin pháp luật, hướng dẫn về thực hiện TTHC, quy định pháp luật tại các cổng thông tin điện tử, trụ sở của các cơ quan cơ quan giải quyết TTHC hoặc cơ quan nhà nước liên quan. Với việc được trang bị đầy đủ thông tin, doanh nghiệp, người dân sẽ có thể hiểu rõ hơn về nghĩa vụ và quyền lợi pháp lý của mình, từ đó tuân thủ pháp luật dễ dàng hơn và giảm nhu cầu hỗ trợ pháp lý hoặc sử dụng dịch vụ tư vấn tốn kém. Trong bối cảnh có nhiều thay đổi không chỉ về chính sách, mà còn cả cách thức tổ chức quản lý và giải quyết TTHC, công tác tuyên truyền và phổ biến các quy định pháp luật mới, hướng dẫn TTHC mới cần phải được tiếp tục đổi mới cho phù hợp với các điều kiện mới để đưa chính sách, yêu cầu, điều kiện pháp lý và TTHC đến gần hơn với doanh nghiệp và đảm bảo việc thực thi một cách có hệ thống và minh bạch trên toàn quốc.
Công tác tuyên truyền và phổ biến nội dung chính sách, quy định pháp luật, TTHC cần phải được thực hiện ngay từ khi các chính sách, quy định, TTHC đang trong giai đoạn soạn thảo, thông qua các công cụ tham vấn và góp ý. Điều này giúp cho doanh nghiệp và người dân có cơ hội nói lên tiếng nói, nguyện vọng của mình và góp ý để cho các chính sách, quy định, TTHC hoàn thiện hơn, giảm CPTT khi thực hiện và có thời gian chuẩn bị tốt nhất cho việc chấp hành các quy định mới. Để những quá trình này được thực hiện hiệu quả, Chính phủ và các Bộ, ngành cần đẩy mạnh ứng dụng các công cụ tham vấn và giám sát trực tuyến như Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh, Bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công, thúc đẩy đối thoại trực tuyến giữa người dân, doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước trong việc xây dựng, thực thi các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công, cũng như tiến hành các cuộc khảo sát chuyên sâu để hiểu rõ hơn về nhu cầu và mối quan tâm của doanh nghiệp.
Khảo sát doanh nghiệp trong nghiên cứu APCI cũng cho thấy cần thiết phải tiếp tục nâng cao trình độ, chất lượng phục vụ của cán bộ giải quyết TTHC, đảm bảo đưa ra những hướng dẫn cụ thể, rõ ràng cho doanh nghiệp. Đồng thời, công tác giải quyết các kiến nghị, ý kiến phản ánh về những vướng mắc đối với TTHC, điều kiện kinh doanh cũng cần được đổi mới và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Để thực hiện được những nội dung này, công tác công bố, công khai về giải quyết TTHC (bao gồm nội dung quy định về TTHC, tình trạng giải quyết, kết quả giải quyết TTHC) cần được đẩy mạnh ở các cơ quan Nhà nước. Điều này sẽ tăng cường niềm tin của người dân, doanh nghiệp vào Nhà nước và thúc đẩy hoạt động kinh doanh, đầu tư.
LHMD – Nguồn Công văn số 34/HĐTV