Theo đó, các quy định về phân cấp, phân quyền hiện nay đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ trong quản lý nhà nước về tổ chức bộ máy và biên chế, cán bộ, công chức, viên chức giữa Trung ương với địa phương. Xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp và người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức liên quan trong hệ thống tổ chức bộ máy. Phù hợp với đặc điểm, tính chất từng cấp, từng loại hình đơn vị hành chính.
Để thực hiện hiệu quả việc phân cấp, phân quyền quản lý nhà nước, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 36/2021/QĐ-UBND ngày 27/12/2021 quy định phân cấp, phân công về quản lý tổ chức bộ máy, biên chế, số lượng người làm việc, hợp đồng lao động và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hợp đồng trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long. Đối tượng phân cấp: các sở, ban, ngành tỉnh, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên, đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Thông qua Quyết định số 36/2021/QĐ-UBND ngày 27/12/2021, đã phân định rõ hơn về thẩm quyền và trách nhiệm của các sở, ban, ngành tỉnh về công tác quản lý viên chức và của Ủy ban nhân dân huyện trong tổ chức thực hiện về công tác tổ chức bộ máy, quản lý cán bộ, công chức, viên chức. Trách nhiệm của Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện: được chủ động trong thực hiện các chế độ, chính sách của các bộ, công chức, viên chức; kịp thời tháo gỡ những vướng mắc khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện; tăng tính chủ động, sáng tạo của từng cán bộ, công chức, viên chức trong việc tham mưu giải quyêt các chế độ chính sách theo thẩm quyền.
Thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh dạn giao nhiệm vụ cho cấp dưới giúp giảm tải được công việc, hướng đến giải quyết công việc nhanh chóng, hiệu quả. Phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của chính quyền các cấp, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, tiết kiệm công sức và nâng cao mức độ hài lòng của người dân,…
Đẩy mạnh cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; tăng cường trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ và trách nhiệm của người đứng đầu.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với việc thực hiện phân cấp theo ngành, lĩnh vực tại các phòng, ban, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn; kịp thời nắm bắt các vướng mắc, khó khăn và xử lý các vi phạm trong quá trình tổ chức thực hiện.
Về kết quả thực hiện các quy định của pháp luật về phân cấp, phân quyền trong các lĩnh vực quản lý của ngành Nội vụ ở địa phương theo Nghị định số 107/2020/NĐ-CP ngày 14/9/2020 của Chính phủ đã phân cấp cho Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định cơ cấu tổ chức, số lượng cấp phó của người đứng đầu của từng sở; quyết định thành lập Chi cục và cơ cấu tổ chức của Chi cục; quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập thuộc sở theo quy định của pháp luật. Kết quả mang lại là đã giải quyết kịp thời, phục vụ tốt hơn các yêu cầu của cơ quan, đơn vị. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân tỉnh.
Đối với việc thực hiện Nghị định số 108/2020/NĐ-CP ngày 14/9/2020 của Chính phủ thì đã phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp huyện trình Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định việc thành lập hoặc không thành lập và kiện toàn tổ chức các đơn vị trực thuộc cho phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước ở địa phương, bảo đảm không tăng số lượng đơn vị trực thuộc khi thực hiện Nghị định này; quy định số lượng cấp phó của người đứng đầu các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện. Kết quả mang lại, đã giải quyết kịp thời, phục vụ tốt hơn các yêu cầu của cơ quan, đơn vị. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Thanh Tú – Nguồn Báo cáo số: 410/BC-UBND