Nghị định số 144/2021/NĐ-CP có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội, người dân và doanh nghiệp nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành đúng quy định pháp luật, góp phần ngăn ngừa những hành vi vi phạm hành chính trên một số lĩnh vực, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Trong thời gian qua, lực lượng Công an các cấp đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, thường xuyên mở các cao điểm trên từng lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước để kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Nghị định số 144/2021/NĐ-CP. Từ đó, giúp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật theo Nghị định số 144/2021/NĐ-CP, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý hành chính nhà nước về ANTT tại địa phương.
Đồng thời, để đảm bảo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính nói chung và Nghị định số 144/2021/NĐ-CP, hằng năm UBND tỉnh Vĩnh Long đều ban hành các Kế hoạch thực hiện công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long. Trên cơ sở đó, các sở, ban, ngành, các địa phương có liên quan đã ban hành các văn bản triển khai thực hiện nghiêm túc theo các Kế hoạch của UBND tỉnh và quy định của Nghị định số 144/2021/NĐ-CP, trong đó Công an tỉnh là đơn vị chủ trì giúp UBND tỉnh theo dõi việc triển khai thực hiện Nghị định số 144/2021/NĐ-CP tại địa phương.
Về tuyên truyền hướng dẫn công tác xử phạt vi phạm hành chính được các đơn vị, địa phương trong tỉnh thực hiện thường xuyên bằng nhiều hình thức đa dạng như: tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh, loa lưu động, các buổi họp dân, công khai các quyết định xử phạt vi phạm hành chính, công tác phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, qua mạng xã hội (Zalo, Facebook, Fanpage,…); nội dung tuyên truyền chủ yếu tập trung các quy định như: Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 144/2021/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến lĩnh vực an ninh trật tự, kinh tế, ma túy, môi trường, trật tự an toàn giao thông, mại dâm,.... Kết quả, đã tổ chức tuyên truyền được 5.547 cuộc, có 357.093 lượt người tham dự.
Ngoài ra, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể còn phối hợp với các điểm trường trên địa bàn tỉnh tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đến đối tượng là học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên được 833 cuộc, 13.032 lượt người tham dự. Nội dung tuyên truyền chủ yếu là phòng, chống tội phạm liên quan đến trẻ em, vị thành niên kết hợp với những quy định về xử phạt vi phạm hành chính thường xảy ra ở môi trường học đường như: gây rối trật tự công cộng, xâm hại sức khỏe, người điều khiển phương tiện không đủ tuổi theo Luật định, đua xe và cổ vũ đua xe trái phép, vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông,…
Các cơ quan truyền thông, báo chí như Báo Vĩnh Long, Đài Phát thanh và Truyền hình Vĩnh Long, đơn vị truyền thanh các huyện, thị xã, thành phố, Truyền hình ANTV,… đã xây dựng hơn 200 chuyên mục, phóng sự, 4.093 tin, bài phản ánh tình hình an ninh, trật tự lồng ghép các quy định mới trong công tác xử lý vi phạm hành chính, các hình thức xử phạt và mức tiền phạt của các hành vi vi phạm hành chính phổ biến như: đánh bạc, điều khiển phương tiện giao thông không đội mũ bảo hiểm, vi phạm nồng độ cồn, xâm hại sức khỏe của người khác.
Về công tác hướng dẫn, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ: UBND tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về xử lý vi phạm hành chính cho lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức các sở, ban, ngành, địa phương, đặc biệt là cán bộ cơ sở nắm vững và thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 144/2021/NĐ-CP. Ngoài ra, Thủ trưởng các sở, ngành liên quan, địa phương còn tăng cường chỉ đạo tập huấn, bồi dưỡng, hướng dẫn cho cán bộ cơ sở nắm quy trình, thủ tục, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trên các lĩnh vực. Từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh.
Đối với công tác kiểm tra, thanh tra việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) nói chung và công tác xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực an ninh trật tự (ANTT) luôn được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc. Hằng năm, UBND tỉnh đều ban hành Kế hoạch kiểm tra công tác XLVPHC trên địa bàn tỉnh; qua đó, các sở, ngành chức năng đã tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo đúng quy trình, quy định.
Qua công tác thanh, kiểm tra việc thi hành pháp luật về XLVPHC, các ngành chức năng đã ban hành các Kết luận thanh tra, kiểm tra để kịp thời chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế, thiếu sót trong quá trình thực hiện và đề ra phương hướng khắc phục cũng như nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xử phạt vi phạm hành chính trong thời gian tới.
UBND tỉnh giao Công an tỉnh là đơn vị đầu mối tham mưu triển khai, hướng dẫn các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện Nghị định số 144/2021/NĐ-CP. Trong thời gian qua, các sở, ban, ngành, địa phương đã phối hợp với Công an tỉnh thực hiện tốt công tác xử lý vi phạm hành chính trên các lĩnh vực thuộc Nghị định số 144/2021/NĐ-CP đảm bảo theo đúng quy định.
Trong kỳ, không có đơn thư khiếu nại, tố cáo về xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 144/2021/NĐ-CP.
Về công tác tổ chức bộ máy, biên chế, phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác xử phạt vi phạm hành chính, các sở, ngành, địa phương có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đều bố trí cán bộ trực tiếp theo dõi, phối hợp với Công an tỉnh thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính theo Nghị định số 144/2021/NĐ-CP theo đúng quy định. Các điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật, trang thiết bị cơ bản đảm bảo phục vụ cho công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính.
Đối với việc ứng dụng khoa học công nghệ và thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã góp phần tra cứu nhanh về tiền án, tiền sự, nhân thân, lai lịch người vi phạm, phục vụ có hiệu quả công tác xử phạt vi phạm hành chính.
Về kết quả xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình đã xử phạt trên 7.000 đối tượng, với trên 3.000 vụ; tổng số tiền xử phạt gần 16 tỷ đồng
Để đạt được kết quả trên, thời gian qua, các ngành, địa phương đã bám sát các văn bản hướng dẫn chỉ đạo của cấp trên và tình hình thực tế của địa phương để kịp thời ban hành kế hoạch theo dõi công tác xử lý vi phạm hành chính hàng năm trên địa bàn sát với thực tế, có trọng tâm, trọng điểm. Xác định rõ trách nhiệm của các đơn vị, địa phương nhất là người đứng đầu trong việc thực hiện theo dõi xử lý vi phạm hành chính thuộc chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền đã được pháp luật quy định.
Thanh Tú – Nguồn Báo cáo số: 133/BC-UBND