Theo đó, thực hiện Công văn số 2111/BCĐ ngày 16/4/2024 của Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030 về việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025
Chủ tịch UBND tỉnh giao Giám đốc: Sở Nội vụ, Sở Tài chính; Chủ tịch UBND huyện: Long Hồ, Tam Bình, Bình Tân, Trà Ôn và UBND thành phố Vĩnh Long theo chức năng, nhiệm vụ được phân công triển khai thực hiện Công văn số 2111/BCĐ ngày 16/4/2024 của Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 theo đúng quy định.
Giao Giám đốc Sở Nội vụ theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan trong việc triển khai thực hiện Công văn số 2111/BCĐ ngày 16/4/2024 đảm bảo đúng theo quy định; kịp thời tham mưu, đề xuất UBND tỉnh giải quyết những khó, khăn vướng trong qua trình triển khao thực hiện.
Nội dung Công văn số 2111/BCĐ ngày 16/4/2024, của Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030 nêu rõ: Trên cơ sở tổng hợp những khó khăn, vướng mắc và các vấn đề phát sinh từ thực tiễn của một số địa phương, để bảo đảm thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 đúng tiến độ, chất lượng theo yêu cầu của Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày 12/7/2023 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030, Ban Chỉ đạo đề nghị bộ, ngành liên quan và các địa phương quan tâm thực hiện các nội dung sau:
Về công tác thực hiện quy hoạch đô thị, đề nghị Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh chỉ đạo UBND cấp huyện và các đơn vị có liên quan ưu tiên bố trí nguồn lực, khẩn trương triển khai thực hiện điều chỉnh hoặc lập mới quy hoạch đô thị (quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết), đáp ứng yêu cầu tại khoản 3 Điều 2 Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15.
Bộ Xây dựng kịp thời hướng dẫn các địa phương nếu có vướng mắc về công tác quy hoạch đô thị; hướng dẫn trình tự, thẩm quyền lập, thẩm định, phê duyệt các đồ án quy hoạch đối với các trường hợp được triển khai đồng thời; kiểm tra, rà soát các quy hoạch đủ điều kiện làm cơ sở thực hiện đánh giá chất lượng đô thị; hướng dẫn việc xác định một số tiêu chuẩn trong đánh giá chất lượng đô thị theo quy hoạch hiện có đối với trường hợp sắp xếp ĐVHC đô thị đã phù hợp với quy hoạch tỉnh nhưng chưa điều chỉnh ngay quy hoạch chung đô thị, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết.
Về phân loại đô thị và đánh giá trình độ trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị đối với quận, phường thì UBND cấp tỉnh chỉ đạo UBND cấp huyện và các đơn vị có liên quan khẩn trương tổ chức triển khai đánh giá các thành phố, thị xã, thị trấn, phường hình thành sau sắp xếp theo các điều kiện, tiêu chuẩn, tiêu chí quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019); Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15; Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị (sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15 ngày 21/9/2022) và Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính (sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15 ngày 21/9/2022).
Bộ Xây dựng và Bộ Nội vụ khẩn trương tổng hợp từ thực tiễn thực hiện của địa phương, nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền hướng dẫn áp dụng quy định pháp luật hiện hành về việc phân loại đô thị khi thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã để miễn, giảm, đơn giản hóa yêu cầu đánh giá chất lượng đô thị đối với một số trường hợp cụ thể.
Bộ Nội vụ có trách nhiệm chủ trì hướng dẫn, có ý kiến với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về phương án sắp xếp ĐVHC đô thị.
Bộ Xây dựng có trách nhiệm tổ chức thẩm định, đánh giá tiêu chí phân loại đô thị, tiêu chuẩn trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị trên cơ sở phương án sắp xếp ĐVHC đô thị đã được Bộ Nội vụ cho ý kiến.
Về trình tự, thủ tục xây dựng các hồ sơ Đề án Thực hiện thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo tại Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo (Thông báo số 81/TB-VPCP ngày 06/3/2024 của Văn phòng Chính phủ) về việc “Thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, đúng quy định, tôn trọng kiến nghị hợp lý của các địa phương về các đặc thù của từng vùng, miền, địa bàn trong cả nước; rút gọn và thực hiện đồng thời các quy trình, thủ tục để bảo đảm tiến độ sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã”. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thể tiến hành đồng thời việc hoàn thiện các điều kiện, tiêu chuẩn (trong đó có trình tự, thủ tục liên quan đến quy hoạch và phân loại, rà soát đánh giá chất lượng đô thị) với việc xây dựng các Đề án sắp xếp, thành lập, điều chỉnh địa giới ĐVHC nhưng khi trình Chính phủ các Đề án này thì cần bảo đảm đã thực hiện đầy đủ các trình tự, thủ tục (lấy ý kiến Nhân dân, lấy ý kiến Hội đồng nhân dân các cấp,…). Trong đó, lưu ý nghiên cứu, áp dụng quy định Nghị định số 35/2023/NĐ-CP ngày 20/6/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng để thực hiện đồng thời xây dựng chương trình phát triển đô thị với việc điều chỉnh quy hoạch chung đô thị để phục vụ công tác đánh giá các tiêu chuẩn, tiêu chí còn thiếu, còn yếu; rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục.
Về kinh phí thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã: Căn cứ phân công của Chính phủ tại Nghị quyết số 117/NQ-CP ngày 30/7/2023 ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025, đề nghị Bộ Tài chính khẩn trương hướng dẫn về kinh phí thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã, trong đó có nội dung về kinh phí ngân sách trung ương hỗ trợ một lần cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nhận bổ sung cân đối ngân sách để hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ bản phục vụ việc sắp xếp ĐVHC theo quy định tại khoản 2 Điều 22 Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15.
Căn cứ khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 22 Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15, UBND cấp tỉnh chủ động bố trí kinh phí thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã để xây dựng phương án, đề án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã; tổ chức tuyên truyền, vận động; tổ chức lấy ý kiến cử tri; giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư; hoạt động kiến thiết thị chính và các nhiệm vụ cần thiết khác, bảo đảm điều kiện thực hiện nhiệm vụ sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã theo quy định của pháp luật và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Về sắp xếp tổ chức bộ máy, giải quyết chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư do sắp xếp ĐVHC và giải quyết trụ sở, tài sản công dôi dư: Đề nghị UBND cấp tỉnh căn cứ khả năng cân đối ngân sách của địa phương, trình HĐND cùng cấp ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư của cơ quan, tổ chức do sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã trên địa bàn theo quy định tại khoản 3 Điều 12 Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 và khoản 2 Điều 9 Nghị định số 29/2023/NĐ-CP ngày 03/6/2023 của Chính phủ về tinh giản biên chế; làm tốt công tác tuyên truyền tới Nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn, nhất là đối tượng chịu sự tác động để bảo đảm sự đồng thuận của người dân và hệ thống chính trị ở địa phương trong quá trình thực hiện sắp xếp ĐVHC; gắn việc sắp xếp ĐVHC với công tác sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả và thực hiện tinh giản biên chế theo quy định.
Đề nghị UBND cấp tỉnh lập danh sách và dự kiến phương án giải quyết trụ sở, tài sản công dôi dư sau sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 kèm theo Đề án trình Chính phủ, trong đó báo cáo rõ hiện trạng và lộ trình giải quyết; UBND cấp tỉnh chủ động cân đối, bố trí nguồn ngân sách để đầu tư sửa chữa, cải tạo, nâng cấp các trụ sở làm việc được tiếp tục sử dụng phục vụ hoạt động của ĐVHC hình thành sau sắp xếp phù hợp với quy hoạch và điều kiện thực tế của địa phương.
Về tên gọi của ĐVHC cấp huyện, cấp xã sau sắp xếp Việc đặt tên ĐVHC cấp huyện, cấp xã sau sắp xếp là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, liên quan đến các yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hoá, tôn giáo, tín ngưỡng gắn với giá trị tinh thần, niềm tự hào, tự tôn cộng đồng dân tộc, cộng đồng dân cư nơi sắp xếp. Trường hợp nhập các ĐVHC cùng cấp thì khuyến khích việc sử dụng một trong các tên gọi đã có của các ĐVHC trước khi nhập để đặt tên cho ĐVHC hình thành sau sắp xếp theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15. Yêu cầu các địa phương cần nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo, thận trọng, hợp tình, hợp lý và có giải pháp thực hiện nhằm bảo đảm sự đồng thuận, thống nhất của người dân; góp phần giữ gìn, phát huy được giá trị lịch sử, truyền thống, văn hoá và tinh thần đoàn kết của Nhân dân đối với ĐVHC cấp huyện, cấp xã sau sắp xếp. Đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quán triệt và triển khai thực hiện; trường hợp phát sinh vấn đề vướng mắc, khó khăn vượt quá phạm vi thẩm quyền giải quyết thì kịp thời phản ánh về Bộ Nội vụ và các bộ, cơ quan trung ương có liên quan để tháo gỡ hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Hồng Nhân - Nguồn các Công văn số 2384/UBND-TCDNC; 2111/BCĐ