Hội nghị được truyền trực tuyến tới 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài….; với sự tham dự và phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; cùng tham dự còn có các đồng chí: Lê Hoài Trung, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương; Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao; đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương. Tại điểm cầu tỉnh Vĩnh Long, tham dự có Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Văn Chính cùng lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị.
Năm 2024, Lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã tiến hành 59 hoạt động đối ngoại, trong đó có 21 chuyến thăm tới các nước và tham dự các hội nghị đa phương; đón 25 đoàn lãnh đạo các nước thăm Việt Nam. Công tác đối ngoại và ngoại giao đã được triển khai chủ động, đồng bộ, sáng tạo và hiệu quả, tiếp tục đóng góp quan trọng vào củng cố vững chắc môi trường hòa bình, ổn định và cục diện đối ngoại rộng mở, thuận lợi cho phát triển kinh tế- xã hội và bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, đồng thời tiếp tục nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao những kết quả, thành tựu ngành ngoại giao đã đạt được trong năm qua, qua đó góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, phát triển; tiếp tục củng cố, nâng cao các mối quan hệ hữu nghị với các nước trên thế giới; không ngừng tăng cường mở rộng phạm vi, đối tượng, địa bàn hoạt động ngoại giao. Thủ tướng cũng mong muốn ngành ngoại giao nắm chắc tình hình, chủ động đề xuất các đối sách kịp thời, linh hoạt, phù hợp, hiệu quả; khai thác hiệu quả những thỏa thuận, cam kết đã ký kết với các nước; xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác ngoại giao vừa hồng, vừa chuyên. Trong năm 2025, toàn ngành Ngoại giao cần tăng tốc, bứt phá, rà soát lại các mục tiêu để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ đề ra; thực hiện tốt Nghị quyết số 18, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp; phối hợp tổ chức tốt các ngày lễ lớn của đất nước; lường trước những khó khăn có thể gặp phải trong điều kiện diễn biến phức tạp của tình hình thế giới; giữ vững cục diện đối ngoại rộng mở, xử lý hài hòa các mối quan hệ với các quốc gia, đối tác trên thế giới…
Năm 2024, tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả công tác ngoại giao và đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Tỉnh đã tổ chức 04 đoàn công tác đi xúc tiến đầu tư, thương mại, hợp tác với các cơ quan, địa phương nước ngoài; tiếp xúc và làm việc với 37 lượt nhà đầu tư đến tìm hiểu đầu tư, trong đó có 13 lượt nhà đầu tư nước ngoài, thu hút được 02 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 1,72 triệu USD; vận động và tiếp nhận 42 chương trình/dự án/phi dự án từ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, tổ chức quốc tế với tổng giá trị viện trợ 27 tỷ đồng… Hoạt động ngoại giao kinh tế nổi bật với nhiều hoạt động đa dạng, thiết thực, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh: Hội nghị Xúc tiến hợp tác giữa các doanh nghiệp Ấn Độ với tỉnh Vĩnh Long; tổ chức Đoàn công tác xúc tiến đầu tư tại Áo, Hà Lan và tham dự Diễn đàn kinh tế Việt Nam-Thụy Sỹ 2024; tiếp đón Đoàn công tác của tỉnh Niigata, Nhật Bản do Ngài Thống đốc tỉnh Niigata dẫn đầu đến thăm và làm việc tại tỉnh Vĩnh Long. Tỉnh cũng đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh tham gia sâu vào hội nhập kinh tế quốc tế; qua đó, kết quả kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh ngày càng tăng: Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2024 đạt trên 01 tỷ USD, tăng 32% so với năm 2023; Nhập khẩu đạt 520 triệu USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước; Hàng hóa của tỉnh Vĩnh Long đã xuất khẩu được đến trên 70 nước và vùng lãnh thổ…
Mỹ Duyên