Theo đó, Nghị định số 16/2025/NĐ-CP gồm có 04 Điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 23/3/2025, bao gồm các quy định mới về tổ chức xây dựng lực lượng và chế độ, chính sách đối với Dân quân tự vệ, cụ thể:
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Dân quân tự vệ về tổ chức xây dựng lực lượng và chế độ, chính sách đối với Dân quân tự vệ như: 1. Sửa đổi khoản 1 Điều 7: “1. Phụ cấp chức vụ chỉ huy Dân quân tự vệ được chi trả theo tháng, mức hưởng như sau: Chỉ huy trưởng, Chính trị viên Ban Chỉ huy quân sự cấp xã; Chỉ huy trưởng, Chính trị viên, Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức: 561.600 đồng;
Phó Chỉ huy trưởng, Chính trị viên phó Ban Chỉ huy quân sự cấp xã; Phó Chỉ huy trưởng, Chính trị viên phó Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức; Tiểu đoàn trưởng, Chính trị viên tiểu đoàn; Hải đoàn trưởng, Chính trị viên hải đoàn; Hải đội trưởng, Chính trị viên hải đội dân quân thường trực; Đại đội trưởng, Chính trị viên đại đội dân quân tự vệ cơ động: 514.800 đồng;
Phó Tiểu đoàn trưởng, Chính trị viên phó tiểu đoàn; Phó Hải đoàn trưởng, Chính trị viên phó hải đoàn; Phó Hải đội trưởng, Chính trị viên phó hải đội dân quân thường trực; Phó Đại đội trưởng, Chính trị viên phó đại đội dân quân tự vệ cơ động: 491.400 đồng;
Đại đội trưởng, Chính trị viên đại đội; Hải đội trưởng, Chính trị viên hải đội; Trung đội trưởng dân quân cơ động, Trung đội trưởng dân quân thường trực: 468.000 đồng;
Thôn đội trưởng: 280.800 đồng và hưởng thêm 100% phụ cấp chức vụ tiểu đội trưởng khi kiêm nhiệm tiểu đội trưởng dân quân tại chỗ, hoặc 100% phụ cấp chức vụ trung đội trưởng khi kiêm nhiệm trung đội trưởng dân quân tại chỗ. Trường hợp thôn tổ chức tổ dân quân tại chỗ thì được hưởng thêm 100% phụ cấp chức vụ của tiểu đội trưởng;
Phó Đại đội trưởng, Chính trị viên phó đại đội; Phó Hải đội trưởng, Chính trị viên phó hải đội: 351.000 đồng;
Trung đội trưởng; Tiểu đội trưởng dân quân thường trực: 280.800 đồng;
Tiểu đội trưởng, Thuyền trưởng, Khẩu đội trưởng: 234.000 đồng”.
Sửa đổi, bổ sung Điều 8 như sau: Bổ sung tên điều cụ thể: “Điều 8. Chế độ phụ cấp hằng tháng, trợ cấp một lần, tiền ăn của Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, Thôn đội trưởng”.
Bổ sung điểm c khoản 1 Điều 8 như sau: “Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã trong thời gian làm nhiệm vụ trực sẵn sàng chiến đấu, tham gia huấn luyện, bồi dưỡng, tập huấn, chỉ huy đơn vị dân quân làm nhiệm vụ theo kế hoạch đã được phê duyệt hoặc quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trở lên được bảo đảm tiền ăn bằng mức tiền ăn cơ bản của hạ sĩ quan, binh sĩ bộ binh đang tại ngũ; được bảo đảm tiền ăn thêm các ngày lễ, tết bằng mức tiền ăn thêm các ngày lễ, tết của hạ sĩ quan, binh sĩ bộ binh tại ngũ trong Quân đội nhân dân Việt Nam”.
Sửa đổi khoản 2 Điều 8 như sau: “2. Đối với Thôn đội trưởng: Mức hưởng phụ cấp hằng tháng do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định nhưng không thấp hơn 1.170.000 đồng”.
Sửa đổi khoản 3 Điều 10 như sau: “3. Chế độ phụ cấp thâm niên của Chỉ huy trưởng, Chính trị viên, Phó Chỉ huy trưởng, Chính trị viên phó Ban chỉ huy quân sự cấp xã được tính trả cùng kỳ lương, phụ cấp hằng tháng. Phụ cấp thâm niên của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã được tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế”.
Sửa đổi Điều 11 như sau: Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 1 Điều 11 cụ thể là: “a) Mức trợ cấp ngày công lao động do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định, nhưng không thấp hơn 327.600 đồng; trường hợp được kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ theo quyết định của cấp có thẩm quyền, mức trợ cấp tăng thêm không thấp hơn 50% mức trợ cấp ngày công lao động hiện hưởng;
Trường hợp dân quân thực hiện nhiệm vụ chống khủng bố, giải thoát con tin, trấn áp tội phạm, giải tán biểu tình, bạo loạn; phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm ở khu vực nguy cơ lây nhiễm cao; cứu sập, cứu hộ, cứu nạn, chữa cháy, khắc phục sự cố thảm họa ở khu vực nguy hiểm đến tính mạng theo quyết định của Chỉ huy trưởng cơ quan quân sự địa phương cấp huyện trở lên, mức trợ cấp ngày công lao động tăng thêm không thấp hơn 50% mức trợ cấp ngày công lao động hiện hưởng”.
Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1 Điều 11 như sau: “b) Mức tiền ăn cơ bản, mức tiền ăn thêm các ngày lễ, tết bằng mức tiền ăn cơ bản, mức tiền ăn thêm hiện hành các ngày lễ, tết của hạ sĩ quan, binh sĩ bộ binh đang tại ngũ trong Quân đội nhân dân Việt Nam”.
Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 2 Điều 11 như sau: “a) Khi làm nhiệm vụ, trừ nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ hải đảo, vùng biển: Mức trợ cấp ngày công lao động, trợ cấp ngày công lao động tăng thêm theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này; mức tiền ăn của dân quân thường trực khi tàu neo đậu tại cảng, đi biển làm nhiệm vụ bằng mức tiền ăn của hạ sĩ quan, binh sĩ Hải quân trên tàu loại 1 khi neo đậu tại cảng, đi biển làm nhiệm vụ”.
Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 Điều 11 như sau: “b) Khi làm nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ hải đảo, vùng biển: Mức trợ cấp ngày công lao động bằng 585.000 đồng; mức tiền ăn mỗi người mỗi ngày bằng 234.000 đồng; Đối với thuyền trưởng, máy trưởng, lái tàu, thợ máy mức hưởng phụ cấp trách nhiệm được tính theo ngày thực tế hoạt động trên biển, mỗi người, mỗi ngày bằng 187.200 đồng”.
Sửa đổi, bổ sung Điều 12 như sau: Sửa đổi khoản 2 Điều 12 cụ thể là: “2. Mức trợ cấp một lần cho dân quân thường trực khi được công nhận hoàn thành thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ trong thời bình, cứ mỗi năm phục vụ trong đơn vị dân quân thường trực được trợ cấp bằng 4.680.000 đồng. Trường hợp có tháng lẻ được tính như sau: Dưới 01 tháng không được trợ cấp; từ 01 tháng đến 06 tháng được hưởng trợ cấp bằng 50% mức trợ cấp một năm phục vụ; từ 07 tháng đến 11 tháng được hưởng trợ cấp bằng một năm phục vụ”.
Sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 12 như sau: “4. Chế độ bảo hiểm xã hội cho dân quân thường trực: Dân quân thường trực thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc áp dụng theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và điểm a khoản 2 Điều 2 Nghị định số 33/2016/NĐ-CP ngày 10 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với quân nhân, công an và người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;
Thời gian đóng bảo hiểm xã hội được tính từ khi có quyết định thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân thường trực đến khi có quyết định công nhận hoàn thành nghĩa vụ tham gia dân quân thường trực hoặc thôi thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân thường trực trước thời hạn theo quyết định của cấp có thẩm quyền;
Mức đóng bảo hiểm xã hội hằng tháng cho dân quân thường trực: Đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất áp dụng theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 86 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014; đóng vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp áp dụng theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định số 58/2020/NĐ-CP ngày 27 tháng 5 năm 2020 của Chính phủ quy định mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
Dân quân thường trực có quyết định công nhận hoàn thành nghĩa vụ tham gia dân quân thường trực hoặc thôi thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân thường trực trước thời hạn theo quyết định của cấp có thẩm quyền mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu hằng tháng theo quy định, nếu không có nguyện vọng bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội và không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 33/2016/NĐ-CP ngày 10 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ. Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần áp dụng theo quy định tại khoản 2 Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014;
Dân quân thường trực chết thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 67 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, thì thân nhân theo quy định tại khoản 2, 3, 4 Điều 67 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng theo mức hưởng quy định tại Điều 68 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014. Dân quân thường trực chết thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 69 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, thì thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần theo mức hưởng quy định tại Điều 70 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014;
Dân quân thường trực chết trong trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 66 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, thì người lo mai táng cho dân quân thường trực được nhận trợ cấp mai táng theo mức quy định tại khoản 2 Điều 66 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, khoản 2 và khoản 3 Điều 13 Nghị định số 33/2016/NĐ-CP ngày 10 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc;
Dân quân thường trực nếu bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà có đủ các điều kiện theo quy định tại các Điều 45 và Điều 46 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 thì được hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 42 và các Điều 48, Điều 49, Điều 51, Điều 52, Điều 53, Điều 54, Điều 55 và Điều 56 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015;
Kinh phí đóng bảo hiểm xã hội cho dân quân thường trực do ngân sách địa phương bảo đảm, hằng tháng ngân sách địa phương đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội do Bảo hiểm Xã hội Việt Nam thống nhất quản lý;
Dân quân thường trực khi làm nhiệm vụ mà bị thương hoặc hy sinh, được các cơ quan có thẩm quyền xác nhận là thương binh hoặc người hưởng chính sách như thương binh hoặc liệt sỹ thì ngoài việc được hưởng chính sách ưu đãi người có công do ngân sách nhà nước bảo đảm, vẫn được thực hiện chế độ tai nạn lao động, tử tuất quy định tại điểm đ, điểm e, điểm g khoản này”.
Bổ sung khoản 4a như sau: “4a. Chế độ bảo hiểm y tế cho dân quân thường trực thực hiện theo pháp luật về bảo hiểm y tế”.
Bổ sung khoản 4b như sau: “4b. Việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế đối với dân quân thường trực do cơ quan Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh thực hiện theo quy định của pháp luật và phân cấp, hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam”.
Sửa đổi khoản 2 Điều 13 như sau: “2. Khi làm nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ hải đảo, vùng biển được hưởng chế độ quy định tại khoản 1 Điều này và hưởng thêm 50% lương ngạch bậc tính theo ngày thực tế huy động, tiền ăn mỗi người mỗi ngày bằng 234.000 đồng; nếu mức thực tế thấp hơn quy định trên thì được áp dụng theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 11 Nghị định”.
Sửa đổi khoản 3 Điều 15 như sau: Sửa đổi điểm a khoản 3 Điều 15 cụ thể là: “a) Trường hợp bị tai nạn: Trong thời gian điều trị tai nạn được hưởng chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Nghị định này kể cả trường hợp vết thương tái phát cho đến khi xuất viện. Nếu tai nạn làm suy giảm khả năng lao động 5% thì được hưởng trợ cấp một lần bằng 11.700.000 đồng; sau đó, cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng 1.170.000 đồng; suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên thì được hưởng 140.400.000 đồng”.
Sửa đổi điểm b khoản 3 Điều 15 như sau: “b) Trường hợp bị tai nạn dẫn đến chết: Thân nhân được hưởng trợ cấp tiền tuất một lần bằng 84.240.000 đồng; người lo mai táng được nhận tiền mai táng phí bằng 23.400.000 đồng”.
Sửa đổi điểm c khoản 3 Điều 15 như sau: “c) Trường hợp bị ốm đau dẫn đến chết: Thân nhân được hưởng trợ cấp tiền tuất một lần bằng 11.700.000 đồng; người lo mai táng được nhận tiền mai táng phí bằng 23.400.000 đồng”.
Bổ sung Điều 15a như sau: “Điều 15a. Kinh phí đào tạo Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã: Ngân sách trung ương bảo đảm đào tạo Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã ngành quân sự cơ sở, nội dung, định mức được áp dụng như bảo đảm cho học viên đào tạo sĩ quan chỉ huy binh chủng hợp thành cấp phân đội. Hằng năm Bộ Quốc phòng lập dự toán kinh phí đào tạo Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã ngành quân sự cơ sở, tổng hợp vào dự toán ngân sách của Bộ Quốc phòng để Bộ Tài chính báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định”.
Trường hợp dân quân còn đang phục vụ trong đơn vị dân quân thường trực trong khoảng thời gian từ ngày 01/7/2020 đến trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, nếu chưa được đóng, hoặc đóng chưa đầy đủ bảo hiểm xã hội, thì địa phương có trách nhiệm đóng, truy đóng bảo hiểm xã hội cho dân quân thường trực theo quy định của Nghị định này, số tiền truy đóng bảo hiểm xã hội không phải tính lãi chậm đóng theo quy định tại khoản 3 Điều 122 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.
Dân quân thường trực vào viện điều trị trước ngày Nghị định này có hiệu lực nhưng ra viện từ ngày Nghị định có hiệu lực thì được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán trong phạm vi được hưởng và mức hưởng theo quy định của Nghị định này.
Để triển khai thực hiện Nghị định đạt hiệu quả, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh giao Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh; Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu, tuyên truyền, phổ biến, tham mưu và tổ chức triển khai thực hiện Nghị định số 16/2025/NĐ-CP ngày 04/02/2025 của Chính phủ theo đúng quy định.
Đồng thời, cũng đã giao Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh chủ trì, phối hợp với Giám đốc Sở Nội vụ và các đơn vị, địa phương liên quan rà soát, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện Nghị định số 16/2025/NĐ-CP ngày 04/02/2025 của Chính phủ theo thẩm quyền và đúng quy định.
Thanh Tú – Nguồn Công văn số: 834/UBND-TCDNC, Nghị định số 16/2025/NĐ-CP