Đồng chí Trần Tiến Dũng – Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long, đồng chí Nguyễn Thanh Lâm – Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam, đồng chí Nguyễn Thành Thế - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy và đồng chí Lữ Quang Ngời – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đồng chủ trì Diễn đàn. Tham dự Diễn đàn còn có Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nhân, đại diện các cơ quan truyền thông, văn hóa trên phạm vi cả nước…

Ảnh: Toàn cảnh Diễn đàn
Với chủ đề “Truyền hình và công nghiệp văn hoá”, Diễn đàn đã tập trung nhiều nội dung sâu sắc với 10 bài tham luận được trình bày trực tiếp và 23 bài tham luận có giá trị, tập trung vào 02 nhóm nội dung cụ thể: “Truyền hình trong kỷ nguyên số” và “Văn hóa số và công nghiệp sáng tạo”.

Ảnh: Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Trần Tiến Dũng phát biểu tại Diễn đàn
Các bài tham luận đã chỉ ra rất rõ tác động mạnh mẽ của các nền tảng xã hội như: Google, Facebook,… và báo chí truyền thống đã và đang phải đối mặt với câu hỏi sống còn trong môi trường số; ngành Phát thanh và Truyền hình đang chuyển mình mạnh mẽ với OTT, Podcast, Radio online, cùng các mô hình kinh doanh mới; vai trò quan trọng của AI và Big Data đã giúp cá nhân hóa nội dung, tối ưu hóa quảng cáo. Đặc biệt là, thói quen tiếp nhận thông tin của giới trẻ đang thay đổi nhanh chóng, chuộng mạng xã hội, khiến báo chí, truyền hình buộc phải thay đổi cả nội dung lẫn công nghệ để bắt kịp xu thế và thời đại, đáp ứng nhu cầu đa dạng và ngày càng cao của công chúng hiện đại.
Về văn hóa số, nhiều ý kiến đã khẳng định công nghiệp văn hóa chính là động lực tăng trưởng mới, vừa gìn giữ giá trị văn hóa, vừa tạo ra giá trị kinh tế. Các giải pháp được đề xuất như: Chuyển đổi số làng nghề, số hóa di sản, quảng bá sản phẩm OCOP qua thương mại điện tử,… nhằm hướng đến xây dựng Vĩnh Long trở thành điểm đến du lịch văn hóa thông minh.

Ảnh: Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam Nguyễn Thanh Lâm phát biểu tại Diễn đàn
Phát biểu tại Diễn đàn, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Trần Tiến Dũng ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của các đại biểu tại diễn đàn. Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long cho biết để cùng với cả nước bước vào kỷ nguyên của cuộc cách mạng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, tỉnh Vĩnh Long xác định việc thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW là nhiệm vụ cấp bách và trọng tâm, từ đó đã khẩn trương, chủ động, quyết tâm chỉ đạo thực hiện để đạt hiệu quả nhất. Tỉnh đã khẩn trương thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW; đồng thời ban hành Chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết, xác định 07 nhiệm vụ, 08 mục tiêu đến năm 2030 và 05 mục tiêu đến năm 2045, 43 chỉ tiêu cụ thể và 17 nhiệm vụ trọng tâm.
Thời gian qua, công tác chuyển đổi số từng bước hình thành ba trụ cột: Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số, bước đầu đạt được nhiều kết quả tích cực. Tỉnh đã triển khai 7 nền tảng chính quyền số, 3 nền tảng kinh tế số và 6 nền tảng xã hội số. Tỉnh đã có nhiều giải pháp thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 về phát triển Công nghiệp văn hóa. Xác định rõ định hướng phát triển kinh tế gắn liền với phát triển văn hóa, các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa được gắn kết chặt chẽ với phát triển du lịch. Vĩnh Long cũng chú trọng xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, góp phần giáo dục truyền thống, quảng bá hình ảnh Vĩnh Long và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; nhiều sự kiện văn hóa tiêu biểu tạo được tiếng vang, thu hút nhiều sự quan tâm của du khách trong nước và quốc tế, hướng tới mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, mũi nhọn của tỉnh, tạo động lực phát triển công nghiệp văn hóa; thương hiệu “Truyền hình Vĩnh Long” với nhiều chương trình được yêu thích đã và đang số hóa toàn bộ dữ liệu, quy trình sản xuất, lưu trữ và phát sóng hướng đến nền tảng dữ liệu đồng bộ đúng, đủ, sạch, sống; toàn bộ quy trình sản xuất chuyển sang số hóa, phân phối nội dung trên nền tảng mạng xã hội và ra mắt nền tảng OTT, đáp ứng nhu cầu thông tin và giải trí mọi lúc, mọi nơi, nhiều bộ phim đã được xuất khẩu đến một số nước, lan tỏa văn hóa, con người Việt Nam đến bạn bè quốc tế.

Ảnh: Tham luận tại Diễn đàn, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Lê Quang Tự Do cho rằng để phát triển truyền hình thành ngành Công nghiệp văn hóa mạnh, cần tập trung vào 4 nhóm giải pháp chính: Tăng cường đầu tư và đổi mới mô hình sản xuất nội dung; phát triển thị trường và khán giả; nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm truyền hình và phát triển nhân lực truyền hình đa năng, sáng tạo.
Những kết quả nói trên một lần nữa khẳng định vai trò then chốt của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, tiêu biểu là trong lĩnh vực truyền hình và công nghiệp văn hóa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh của tỉnh thời gian qua.
Tỉnh Vĩnh Long quyết tâm thực hiện tốt sự lựa chọn bắt buộc, tiến nhanh và tiến chắc trên con đường duy nhất này, xem đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số là chìa khóa, là giải pháp then chốt đưa tỉnh nhà cùng với cả nước tiến xa trên con đường hiện thực hóa khát vọng phát triển phồn vinh, thịnh vượng- Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.
Tiếp nối thành công này, Vĩnh Long sẽ đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số theo Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị. Xác định đây là cuộc cách mạng sâu sắc, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; cần triển khai quyết liệt, kiên trì, đồng bộ với các giải pháp đột phá. Người dân và doanh nghiệp là trung tâm; nhà khoa học là nhân tố then chốt Nhà nước giữ vai trò dẫn dắt, thúc đẩy tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển. Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; có cơ chế, chính sách ưu đãi, đặc biệt về nhân tài. Phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng số, công nghệ số trên nguyên tắc “hiện đại, đồng bộ, an ninh, an toàn, hiệu quả, tránh lãng phí”.

Ảnh: Các đại biểu tham gia Tọa đàm
Để thực hiện hiệu quả các định hướng chiến lược tỉnh sẽ tập trung xây dựng Trung tâm Đổi mới Sáng tạo của tỉnh, không chỉ là nơi nghiên cứu, thử nghiệm các công nghệ mới mà còn là cầu nối giữa các doanh nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ, các trường đại học, góp phần tạo ra môi trường sáng tạo và khởi nghiệp; đồng thời xây dựng Trung tâm dữ liệu của Đài Phát thanh và Truyền hình, làm cơ sở để phát triển hạ tầng nội dung số, trở thành Trung tâm nội dung số hàng đầu trong khu vực; đẩy mạnh phong trào “Bình dân học vụ số” và các phong trào, hoạt động ý nghĩa khác trong Nhân dân, với tinh thần cách mạng, toàn dân, toàn diện, không ai bị bỏ lại phía sau trong tiến trình chuyển đổi số. Mọi người dân đều được trang bị kiến thức và kỹ năng số cần thiết, từ đó tận dụng và thụ hưởng những thành quả của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo mà chuyển đổi số mang lại.
Tỉnh Vĩnh Long cũng kêu gọi và đề nghị các doanh nghiệp, các nhà đầu tư tập trung đầu tư và nghiên cứu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, làm chủ khoa học công nghệ cũng như quan tâm nghiên cứu về tiềm năng thế mạnh, lợi thế của tỉnh Vĩnh Long để quyết tâm đầu tư. Vĩnh Long cam kết đồng hành cùng các doanh nghiệp trên các lĩnh vực có liên quan nhất là khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo cũng như là chuyển đổi số; đồng thời mong rằng các Tập đoàn, các Công ty tạo dựng nên phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để tạo việc làm, đặc biệt là tạo ra tinh thần khởi nghiệp cho các thế hệ trẻ, các thế hệ sinh viên.
Diễn đàn Mekong về Khoa học công nghệ, Đổi mới sáng tạo và Chuyển đổi số lần thứ nhất, với chủ đề “Truyền hình và Công nghiệp văn hóa” là sự kiện quan trọng và ý nghĩa, đánh dấu bước ngoặt mới, với sự quyết tâm cao của lãnh đạo tỉnh, của Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Vĩnh Long về đổi mới, sáng tạo để Vĩnh Long bứt phá, phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.

Ảnh: Các đại biểu cùng chụp ảnh lưu niệm
Diễn đàn là cơ hội quý báu để kết nối trí tuệ, kinh nghiệm và giải pháp với cái nhìn khách quan và rộng mở của các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp và cộng đồng sáng tạo trong cả nước. tôi tin tưởng với sự đóng góp đầy tâm huyết và trí tuệ của các đại biểu sẽ đưa ra nhiều ý tưởng đột phá, nhiều sáng kiến mang giá trị thực tiễn và lâu dài, góp phần định hình một cách sáng rõ nhất con đường phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo chuyển đổi số nói chung và lĩnh vực truyền hình và công nghiệp văn hoá của tỉnh Vĩnh Long nói riêng trong thời gian tới. Vĩnh Long xác định Diễn đàn này sẽ tạo động lực và cảm hứng cho sự đổi mới, sáng tạo của các lĩnh vực khác, là nền tảng quan trọng, mang tính quyết định việc hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030 và 2045.
Ngọc Hân